Cẩm nang tuyển dụng

Nói miệng thì thua

23-05-2017

Việc thỏa thuận miệng vẫn diễn ra khá phổ biến. Cơm lành canh ngọt thì không sao nhưng khi có tranh chấp, những hợp đồng miệng gây nhiều khó khăn cho các bên…

Cho rằng mình làm việc tại công ty gần 1 năm nhưng không được hưởng đầy đủ quyền lợi nhưng khi được hỏi “có giấy tờ gì để chứng minh ông đã làm việc tại đó?”, người lao động (NLĐ) chỉ đưa ra… mỗi cái áo đồng phục mang tên công ty để làm “bằng chứng”. Đó là trường hợp của ông Tô Thành Phúc, nhân viên bảo vệ khách sạn Chaika tại quận 12, TP HCM. Ông nói đã làm việc tại đó từ tháng 3-2016.

 

Chỉ nói miệng với nhau

 

Theo trình bày của ông Phúc, ông làm việc theo ca 12 giờ mỗi ngày; kể cả ngày nghỉ lễ, chủ nhật. Hai bên chỉ thỏa thuận miệng chứ không ký hợp đồng bằng văn bản. Trong suốt thời gian làm việc, do không được ký hợp đồng nên ông Phúc cũng chẳng được đóng BHXH, BHYT... Làm việc vào các ngày lễ, ông cũng không được trả lương 300% như quy định. “Cứ hết tháng, tôi lại được nhận một khoản tiền cố định, trao tay là xong” - ông Phúc nói.

 

Tết nguyên đán vừa qua, ông Phúc bị chủ cho nghỉ việc vào ngày 29 Tết. “Tôi làm việc đến hết ngày 28 Tết mà không nghe chủ nói gì về lịch làm việc trong những ngày Tết nên theo quy định của nhà nước, đúng ngày nghỉ Tết thì tôi nghỉ. Không ngờ sau đó chủ kêu tôi lên, cho nghỉ việc luôn hôm 29 Tết” - ông Phúc kể.

 

Tuy nhiên, khi được hỏi về trường hợp của ông Phúc, chủ khách sạn cho rằng ông Phúc chỉ là lao động tự do nên không ký hợp đồng. Việc cho ông Phúc nghỉ là thỏa đáng vì ông Phúc tự ý nghỉ việc không báo trước. “Ngày Tết, ông Phúc tự ý nghỉ thì xem như đơn phương chấm dứt hợp đồng. Còn chuyện không có hợp đồng hay chế độ bảo hiểm gì thì là do NLĐ không đáp ứng tiêu chuẩn. Dù chỉ thỏa thuận miệng thì NLĐ cũng phải nói trước chứ” - chủ khách sạn phân bua.

 

Ông Phúc không đồng ý với cách giải thích của chủ. Ông cho rằng mình không đơn phương nghỉ việc trái luật mà chỉ là nghỉ Tết theo quy định. “Khi công ty không quy định cụ thể lịch làm việc ngày Tết thì tôi biết phải làm thế nào? Nhà nước cho nghỉ thì tôi nghỉ, nếu công ty muốn tôi làm thì phải thỏa thuận. Nếu tôi không đạt tiêu chuẩn thì sao lại để tôi làm việc hơn 10 tháng rồi mới bảo không đủ tiêu chuẩn? Tôi đề nghị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM và các cơ quan chức năng quận 12 kiểm tra, xử lý, buộc chủ doanh nghiệp trả lại quyền lợi cho tôi” - ông Phúc bức xúc.

 

Cả hai bên đều tùy tiện

 

Một trường hợp “lời nói gió bay” khác là chị N.T.T và chị N.T.M.T cùng làm việc cho công ty T.H hơn một năm rưỡi nhưng vẫn không được ký hợp đồng, không được đóng các khoản bảo hiểm. Các chế độ lễ, Tết thì do công ty “tùy hỉ”, làm việc ngày nghỉ vẫn nhận lương như ngày thường. Tết rồi, đến sát Tết, công ty mới đưa ra quy định là nhân viên nào có số ngày nghỉ không phép vượt quá quy định thì không được hưởng lương tháng 13. Chị N.T.T và N.T.M.T nằm trong trường hợp này. Đại diện công ty lý giải do 2 chị có nhiều ngày nghỉ không phép trong năm nên không được thưởng.

 

“Công ty làm như vậy là cố tình ép NLĐ. Tại sao không quy định từ đầu năm mà lại chờ đến sát Tết mới đưa ra, coi như việc đã rồi? Hơn thế, chúng tôi cũng không có ý định nghỉ việc không phép, chỉ vì công ty (làm dịch vụ) thường không giải quyết cho nghỉ vào thứ bảy, chủ nhật nhưng năm ngoái gia đình tôi có chuyện cưới, hỏi vào thứ bảy, chủ nhật, tôi buộc phải nghỉ” - chị N.T.T giải thích.

 

Bức xúc vì không được thưởng nên còn 1 ngày rưỡi nữa thì đến ngày nghỉ Tết, chị N.T.T… nghỉ luôn. Qua Tết, chị xin làm việc lại nhưng công ty không đồng ý vì cho rằng chị tự ý chấm dứt hợp đồng (miệng). Công ty cũng không trả cho chị nửa tháng lương còn lại.

 

Người lao động không nên thờ ơ

 

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP HCM, trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động là của người sử dụng lao động, nếu không thực hiện là vi phạm pháp luật lao động. Tuy nhiên, NLĐ cũng không nên thờ ơ với quyền lợi của chính mình. Theo luật định thì công việc ngắn hạn dưới 3 tháng có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói nhưng nếu cũng cùng một công việc và NLĐ đó làm việc thường xuyên, ổn định thì không thể lặp lại nhiều lần mà phải giao kết hợp đồng bằng văn bản. “Hợp đồng miệng thì khi phát sinh tranh chấp, NLĐ vẫn khiếu nại được nếu có căn cứ nhưng việc này cũng rất khó khăn. Ít ra thì NLĐ cũng phải giữ kỹ giấy thanh toán lương; giấy phân công, điều động; bảng chấm công, sổ trực… Nếu không có thì khi khiếu nại, kiện tụng sẽ rất khó để cơ quan chức năng xem xét, xử lý” - ông Triều lưu ý.

Bài và ảnh: Bạch Đằng

WORKBANK.VN - Ngân hàng việc làm trực tuyến hàng đầu Việt Nam, luôn cập nhật thông tin việc làm mới nhất trên toàn quốc, được thành lập năm 2008.

Giới thiệu
Thỏa thuận sử dụng
Quy chế hoạt động
Chính sách bảo mật thông tin
Cơ chế giải quyết tranh chấp

Liên hệ

Phone:
028.6264.9264 / 028.54052.777
Mobile:
0913.49.71.71 - 0974.906.609
Email:
support@workbank.vn
Địa chỉ:
Xem bản đồ
Hợp tác đầu tư:
0983.852.025

Copyright © by WORKBANK.VN. All right reserved. Giấy tiếp nhận: 246/PTTH&TTĐT của Cục PTTH-TTĐT cấp ngày 7/11/2008.

Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Phan Quang - GPKD: 0303685627 - Do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - Cấp ngày: 10/03/2005

Trụ sở: 343/42 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM - Điện thoại: 028.6264.9264 - 028.54052.777