Người lao động cũng phải tuân thủ luật
12-10-2017Đòi được quyền lợi sai cách đã khiến không ít người lao động chuốc lấy thiệt thòi
"Công ty thất hứa, không thực hiện những điều đã cam kết nên chúng tôi mới ngừng việc tập thể. Lý do ngừng việc của chúng tôi là chính đáng vậy mà không hiểu sao công ty lại sa thải chúng tôi. Chưa hết, công ty còn đòi kiện chúng tôi ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại do ngừng việc. Thật phi lý hết sức". Đây là bức xúc của hơn 20 công nhân (CN) vừa bị Công ty TNHH H.N (tỉnh Long An) sa thải.
Mất cả chì lẫn chài!
CN cho biết Công ty TNHH H.N hiện có hơn 200 lao động đang làm việc. Trước đây, theo quy định của công ty, cứ 6 tháng một lần công ty sẽ tăng tiền phụ cấp kỹ thuật cho CN với mức 50.000 đồng/người. Tuy nhiên, đầu năm 2017, công ty đột ngột thay đổi cách chi trả khoản phụ cấp này. Theo đó, những CN làm lâu năm khi mức tăng phụ cấp đạt 500.000 đồng/người thì không tăng nữa. Nhiều CN còn bị cắt luôn mà không hiểu lý do vì sao.
Nóng lòng đòi quyền lợi, nhiều công nhân đã chọn cách đình công trái luật
"Do từ trước đến nay công ty chỉ thực hiện tăng lương tối thiểu vùng, không tăng lương niên hạn cho CN nên khoản phụ cấp kỹ thuật này được chúng tôi xem như tiền thâm niên. Do vậy, khi công ty chi trả phụ cấp tùy tiện không theo một tiêu chí cụ thể nào khiến chúng tôi rất bức xúc dẫn đến ngừng việc vào tháng 2-2017" - CN tên N. kể. Theo biên bản làm việc với CN và các cơ quan chức năng địa phương khi đó, ông T.Y, giám đốc công ty, hứa hẹn sẽ xây dựng và công bố tiêu chí cụ thể về phụ cấp kỹ thuật, bảo đảm công bằng và hợp lý với tất cả CN. Thế nhưng, sau đó công ty không thực hiện lời hứa. Bức xúc vì chuyện này, ngày 21-8-2017, hơn 30 CN bộ phận dán ép đã ngừng việc.
Chiều cùng ngày, trong buổi họp với số CN ngừng việc, giám đốc tuyên bố sẽ cắt luôn khoản phụ cấp kỹ thuật và cách chức các tổ trưởng tham gia ngừng việc. Ông Y. cũng ra "tối hậu thư" yêu cầu tất cả CN phải trở lại làm việc ngay, nếu ai không thực hiện sẽ bị đuổi việc. Khi đó một số CN quay lại làm việc, riêng hơn 20 CN tiếp tục ngừng việc vì không đồng tình với quyết định của ông Y.
Sáng 22-8, sau khi đến phản ánh sự việc với LĐLĐ huyện, các CN quay lại công ty xin vào làm việc thì bị bảo vệ cấm cửa do công ty đã đổi thẻ CN, cho nên thẻ của số CN này không còn hiệu lực. Đến ngày 14-9, công ty ra quyết định sa thải các CN với lý do không chấp hành lệnh điều động sản xuất - kinh doanh; vi phạm nội quy, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích công ty. Ngoài ra, ông Y. còn tuyên bố sẽ kiện CN ra tòa đòi bồi thường thiệt hại trong những ngày CN đình công trái luật.
Chuốc họa vào thân
Nói về sự việc trên, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, tiếc nuối: "Theo quy định của Bộ Luật Lao động, đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, trong trường hợp một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên có quyền yêu cầu Hội đồng Trọng tài lao động giải quyết. Tuy nhiên, ở tình huống trên, có thể do CN thiếu am hiểu pháp luật và quá nóng vội trong cách giải quyết dẫn đến bị thiệt thòi nhiều hơn về quyền lợi. Giá như trước đó CN trao đổi sự việc với Công đoàn cơ sở, LĐLĐ huyện để được hướng dẫn cách giải quyết trước khi tiến hành ngừng việc thì hay biết mấy, thay vì đến khi bị mất việc rồi mới đến cầu cứu LĐLĐ".
Hiện nay, tình trạng người lao động hấp tấp đòi quyền lợi mà không suy xét kỹ để rồi phải nhận lãnh thiệt thòi như các CN nói trên đang xảy ra khá phổ biến. Chẳng hạn như trường hợp của anh Đ.D.H, nhân viên một công ty vận tải đường biển. Tháng 5-2015, anh H. ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 3 năm với công ty. Tháng 4-2017, anh H. nộp đơn xin nghỉ việc nhưng không được công ty chấp thuận vì không có lý do chính đáng. Sau đó, do công ty chậm trả lương 5 ngày, anh H. lấy cớ không được trả lương đúng thời hạn, nộp đơn báo trước 3 ngày (bao gồm cả thứ bảy, chủ nhật) và nghỉ việc luôn. Lần này đơn xin thôi việc của anh tiếp tục bị công ty bác bỏ. Công ty nhiều lần yêu cầu anh H. trở lại làm việc nhưng anh không đến. Tháng 7-2017, công ty ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với lý do anh H. đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Việc này khiến anh không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của H., ông V.N.C, giám đốc công ty, vô cùng bức xúc. Ông C. cho biết tháng 3-2017, một tàu của công ty gặp nạn và bị chìm. Khi đó công ty gặp một số khó khăn về tài chính dẫn đến chậm trả lương 1 tuần. "Theo quy định, trong trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng, người sử dụng lao động có thể trả lương chậm không quá 1 tháng. Công ty mới chậm lương 5 ngày mà anh H. viện cớ này để xin nghỉ việc là chưa hợp lý, chưa kể H. còn vi phạm thời gian báo trước. Từng gắn bó với công ty hơn 4 năm, đáng lẽ khi chúng tôi gặp khó khăn, hơn ai hết, anh H. phải cùng chung sức chia sẻ. Đằng này lại đi tố cáo những chuyện thất thiệt gây thêm khó khăn và thiệt hại cho công ty. Chính vì vậy, chúng tôi rất bức xúc và đã nộp đơn khởi kiện anh H. ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại" - ông C. cho biết.
- Kỹ sư nhiệt lạnh Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Kỹ sư cấp thoát nước Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên tính khối lượng điện Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên mua hàng Công Ty TNHH Tín Đức
- Chuyên viên digital content marketing Công Ty TNHH Thương Mại Vạn An
- Nhân viên kinh doanh Công Ty TNHH Bao Bì Anh Dương
- Kỹ sư thiết kế cơ khí, chi tiết máy Công Ty TNHH Chế Tạo Máy Dược Phẩm Tiến Tuấn
- Nhân viên lập trình, vận hành máy phay CNC Công Ty TNHH DongWoo ST Vina
- Nhân viên digital marketing Công Ty CP Giải Pháp Tự Động Hóa Etek
- Kỹ sư tự động hóa Công Ty TNHH Thiết Bị Tự Động Hóa Kim Khí Thăng Long