Nghề nuôi tử thần
08-06-2017Nằm cách Thủ đô Hà Nội không xa có một ngôi làng đặc biệt mà ở đó từ trẻ nhỏ tới người già ai ai cũng quen thuộc với tiếng phì phì đặc trưng của loài bò sát tử thần.
Về thăm xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), trái ngược với vẻ ngoài yên bình của 1 làng quê, ít ai biết rằng ngôi làng này có nghề truyền thống vô cùng đặc biệt, đó là nghề bắt và nuôi rắn hổ mang.
Cả làng sống chung với rắn
Nghề nuôi rắn, sống chung với rắn vốn là truyền thống lâu đời của người dân xã Vĩnh Sơn. Được biết, trong số hơn 1.000 hộ dân sinh sống ở xã thì có tới hơn 70% hộ nuôi và kinh doanh rắn. Khi được hỏi về lịch sử của cái nghề nuôi "tử thần" này, người dân xã Vĩnh Sơn đều lắc đầu không ai biết nghề có từ bao giờ chỉ biết truyền thống bắt, nuôi rắn đã được cha ông để lại. Đời nọ nối tiếp đời kia và cũng từ đó tới nay hàng ngàn đời rắn hổ mang đã sinh sống tại đây.
Xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nổi tiếng cả nước với nghề nuôi rắn độc
Theo chân ông Hà Hồng Quảng (Thôn 4, xã Vĩnh Sơn) vào thăm "động rắn" của gia đình, dù đã chuẩn bị trước tinh thần nhưng những tiếng "phì… phì…" phát ra từ hàng trăm chuồng nuôi rắn hổ mang phì (loại rắn có độc tố cực mạnh) vẫn khiến những người gạn dạ nhất cũng phải e ngại.
Trại nuôi rắn của ông Quảng nằm ngay trong khu dân cư, được xây dựng như một dãy nhà cấp 4, chỉ dài chừng 40m thế nhưng lại nuôi tới hơn 1.000 con rắn hổ mang phì. "Nuôi rắn thì không tốn nhiều diện tích đất bởi mỗi chuồng rắn chỉ có kích thước chừng 60cm là đủ." Ông Quảng chia sẻ.
Phía bên trong "động rắn", bước chân người đi tới đâu là từng đấy tiếng "phì…phì…" đặc trưng vang lên tới đó. Trong khu vực chuồng nuôi, xác rắn lột nằm ngổn ngang. Dọc lối dẫn vào chuồng vẫn còn vương vãi xác rắn lột, nhem nhép ướt.
Hình ảnh một con rắn hổ mang phì, loài rắn có độc tính cực mạnh nhưng cũng nhờ chúng mà người dân xã Vĩnh Sơn có được cuộc sống no đủ
Khi cánh cửa lồng rắn bật mở, dõi ánh mắt theo tia sáng leo lắt từ chiếc đèn pin hắt vào phía trong lồng, bất chợt một chiếc đầu rắn hiện lên trong bóng tối. Con rắn lúc này đã phình mang to gấp 3 lần bình thường, cặp mắt đen sì nhưng sắc lạnh như muốn nuốt chửng con mồi.
Dù đã có kinh nghiệm nuôi rắn hơn chục năm thế nhưng vào đầu năm 2012, trong lúc cho rắn ăn chị Hoà sơ ý bị rắn cắn vào tay. Chất độc cực mạnh của loại rắn hổ mang phì khiến ngón tay út của chị bị hoại tử và phải cắt bỏ.
Từ miệng rắn liên tục phát ra tiếng phì phì như thể đang tức giận. Khi rắn há rộng miệng đớp mồi có thể nhìn rõ cuống họng đỏ lòm cùng cặp nanh sắc nhọn khiến ai yếu bóng vía cũng có thể ngất lịm vì sợ hãi.
Sung túc nhờ rắn
Đáng sợ là vậy, thế nhưng nghề nuôi rắn đã mang lại cho người dân nơi đây một cuộc sống.
"Nuôi rắn không tốn quá nhiều diện tích chuồng trại, thức ăn cũng không cầu kỳ vì chủ yếu là gà, vịt, ngan mới nở được mua từ các lò ấp với giá từ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Rắn cũng không ăn nhiều mà thường từ 4, 5 ngày chúng tôi mới phải cho ăn 1 lần. Sau khoảng 2 tới 3 năm là đã có thể xuất chuồng với giá trung bình từ 800.000 đồng tới cả triệu đồng/kg, tuỳ theo giá cả từ năm. Sản phẩm từ rắn rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là bán rắn làm thịt, nấu cao, ngâm rượu hay chế thuốc… Rắn Vĩnh Sơn không chỉ được người dân trong nước biết đến mà nhiều thương lái nước ngoài cũng về đây tìm cách thu mua." Ông Quảng chia sẻ.
"Rắn hổ mang phì có nọc độc rất mạnh, nếu bị rắn cắn mà không cấp cứu kịp thời thì chỉ 20 phút là thiệt mạng. Ở làng này hầu như năm nào cũng có người thiệt mạng do rắn cắn, còn chuyện đưa đi cấp cứu thì xảy ra như cơm bữa." ông Quảng chia sẻ.
Bất chấp nguy hiểm tới tính mạng, từ bao đời nay người dân xã Vĩnh Sơn đã quá quen thuộc với việc sống chung với hàng ngàn con rắn hổ mang ở ngay trong sân nhà.
Nghề nuôi rắn nguy hiểm và đáng sợ là vậy thế nhưng thu nhập từ rắn lại đem đến cho người dân xã Vĩnh Sơn cuộc sống sung túc. Mỗi ngày tại xã vẫn có hàng trăm chiếc chuồng rắn được đóng mới để phục vụ nghề nuôi "tử thần" này.
Bước vào "động" rắn mới thấy người dân xã Vĩnh Sơn có một thần kinh thép đến lạ thường. Bất chấp hàng ngàn con rắn phùng mang, phì phì liên tục như đe doạ, chị Nguyễn Thị Hoà (con dâu ông Quảng) vẫn đều đặn gắp từng đĩa thức ăn bỏ vào ổ phục vụ các "tử thần".
Dẫu biết cái nghề sống chung với "tử thần" mang lại cho người dân xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) một cuộc sống no đủ thế nhưng những hiểm nguy rình rập hay tai nạn nghề nghiệp mà cái giá phải trả là cả sinh mạng vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với người dân nơi đây.
- Kỹ sư nhiệt lạnh Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Kỹ sư cấp thoát nước Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên tính khối lượng điện Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên mua hàng Công Ty TNHH Tín Đức
- Chuyên viên digital content marketing Công Ty TNHH Thương Mại Vạn An
- Nhân viên kinh doanh Công Ty TNHH Bao Bì Anh Dương
- Kỹ sư thiết kế cơ khí, chi tiết máy Công Ty TNHH Chế Tạo Máy Dược Phẩm Tiến Tuấn
- Nhân viên lập trình, vận hành máy phay CNC Công Ty TNHH DongWoo ST Vina
- Nhân viên digital marketing Công Ty CP Giải Pháp Tự Động Hóa Etek
- Kỹ sư tự động hóa Công Ty TNHH Thiết Bị Tự Động Hóa Kim Khí Thăng Long