Lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc làm liên lụy người nghèo
23-05-2017Điều này đã khiến cho giấc mơ xuất ngoại làm giàu của nhiều người lao động bị dang dở.
Công tác tuyển chọn đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho nhiều gia đình ở ngoại thành. Bởi vậy, việc 5 huyện của Hà Nội có trong danh sách tạm dừng tuyển chọn xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Hàn Quốc năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu chính đáng của nhiều lao động.
Dang dở giấc mơ
Đơn cử như Thạch Thất phấn đấu đưa 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2017, song năm nay là năm thứ hai huyện nằm trong danh sách tạm dừng tuyển chọn XKLĐ sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS do có trên 60 người ở lại quá thời hạn.
Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh thông tin, tính đến tháng 3/2017, toàn huyện có 1.455 lao động đang làm việc ở nước ngoài, trong đó tại Hàn Quốc có 194 người. Lý giải về tình trạng NLĐ cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, ông Hoàng Anh cho rằng, do nhu cầu bức xúc về việc làm và thu nhập trong nước nên nhiều lao động chần chừ chưa muốn về. Hơn nữa, để được đi XKLĐ ở Hàn Quốc không đơn giản vì chỉ tiêu ít, mức lương cao, bình quân 20 - 30 triệu đồng/tháng nên có lao động chấp nhận bị phạt để ở lại làm chui nhằm tích cóp tiền.
Là huyện thuần nông, có tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của TP, XKLĐ được coi là giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững của huyện Ba Vì. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án “Hỗ trợ giải quyết việc làm và XKLĐ giai đoạn 2016 - 2020” do UBND huyện ban hành năm 2016. Hiện tại, Ba Vì có 1.857 người đi XKLĐ tại các nước Ba Lan, Mỹ, Lybia, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, với 84 lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc chưa trở về nước, năm 2017, Ba Vì bị xếp vào danh sách tạm dừng tuyển chọn XKLĐ sang thị trường này.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Ba Vì Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ, Hàn Quốc là thị trường được nhiều NLĐ lựa chọn vì điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định và xã hội tạo điều kiện. Mức lương bình quân khoảng 1.000 USD/tháng, có vị trí công việc thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, việc bị dừng xem xét XKLĐ sang Hàn Quốc trong năm 2017 đã ảnh hưởng đến giấc mơ của nhiều người nghèo trên địa bàn huyện. “Chúng tôi thực sự rất buồn vì nhiều NLĐ đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng về sức khỏe, vay mượn tiền và học tiếng Hàn để đi XKLĐ nhưng nay bị tạm dừng” - ông Bình chia sẻ.
Cư trú bất hợp pháp - lắm rủi ro
Theo khảo sát của phóng viên, có những NLĐ phải trả chi phí qua trung gian cao gấp nhiều lần so với khoản tiền mà Bộ LĐ-TB-XH công khai để đăng ký và làm thủ tục đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Lo sợ khi về nước không tìm được việc có lương cao, nhiều NLĐ chấp nhận ở lại cư trú bất hợp pháp làm việc lấy tiền gửi về nhà. Tuy nhiên không phải ai cũng có cơ hội thực hiện được mong ước của mình.
Đơn cử như anh Phí Mạnh Đông, thôn 1, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất đã quá thời hạn 3 năm làm việc ở Hàn Quốc nhưng chưa trở về. Ngồi bên thềm ngôi nhà vừa với xây xong còn thơm mùi gỗ, ông Phí Mạnh Chay - bố ruột anh Đông nói chuyện với giọng đượm buồn: “Khi hết 5 năm hợp đồng, nó nói với tôi là ở lại ra ngoài làm thêm kiếm tiền gửi về cho bố mua đất, xây nhà. Nhà đã xây xong, tôi rất muốn nó về cưới vợ, sinh con vì đã 34 tuổi rồi. Nhưng kể từ khi trốn ra ngoài, cứ 3 tháng nó đổi chủ khác vì bị người ta quỵt tiền lương. Bây giờ không có tiền để về, nó vừa phải đi làm và tranh thủ đi đòi lương nhưng không được”.
Có con đi XKLĐ ở Hàn Quốc, nhưng ông Nguyễn Văn Nhân ở thôn Lai Bồ, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì khẳng định, ngôi nhà của mình xây đã lâu từ nguồn tiền làm kinh tế trang trại. Tháng 8-2016, anh Nguyễn Kỳ Hưng - con trai ông Nhân hết thời hạn hợp đồng ở Hàn Quốc đã trốn ra ngoài làm xây dựng. “Lần nào nói chuyện với nó qua điện thoại, tôi cũng giục về đi, ở nhà có trang trại trồng cây, chăn nuôi lợn, gà, không thiếu việc. Nó cứ nói làm thêm vài tháng nữa kiếm ít tiền. Nó làm xây dựng được 30 triệu đồng/tháng, nhưng không đều việc vì phụ thuộc vào thời tiết. Mới đây, nó cho một đồng nghiệp vay một khoản tiền lớn nhưng giờ người đó chuyển công ty, không biết tìm ở đâu để đòi tiền” - ông Nhân thở dài.
Đề xuất kéo dài thời gian hợp đồng
Dù Sở LĐ-TB-XH Hà Nội và các địa phương từ cấp huyện đến cơ sở đã đưa ra nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động NLĐ về nước đúng thời hạn, song tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thời gian qua vẫn còn lớn.
Thực tế, vẫn có những doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc sử dụng lao động “chui” để trốn thực hiện một số chính sách cho NLĐ, nên dẫn đến tình trạng lao động quá hạn, cư trú bất hợp pháp. Trong khi đó, việc thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng là một trong những biện pháp chống trốn và đảm bảo một số vấn đề phát sinh khi NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đây không phải là “cây gậy” buộc họ phải trở về. Bởi khi NLĐ ở lại quá thời hạn trở về chỉ bị xử phạt hành chính. Chắc chắn, các đối tượng ký quỹ 100 triệu đồng sẽ cân nhắc số tiền bị xử phạt so với khoản lớn kiếm được khi ở lại quá thời hạn để làm thêm.
Trước tình hình này, ông Bạch Quốc Việt – Trưởng phòng An toàn lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB0XH Hà Nội đề xuất giải pháp kéo dài thời gian ký hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc. Ông Việt cho hay, lao động đi Nhật Bản chi phí không chính thức hết gần 200 triệu đồng, còn theo quy định của Nhà nước khoảng 3.000 USD. Nếu thời hạn quá ngắn, NLĐ vừa mới tiếp cận và làm quen với công việc đã phải về nước, thu nhập tăng thêm không nhiều. Nếu thời hạn hợp đồng tăng lên thành 5 - 6 năm, NLĐ có tay nghề làm việc hiệu quả sẽ tích lũy được số tiền tương đối, không còn tâm lý cư trú bất hợp pháp để kiếm tiền thêm. Một giải pháp nữa là thông qua kênh ngoại giao, đề nghị nước sở tại mạnh tay trong kiểm soát lao động cư trú bất hợp pháp.
Hiện nay, để tuyên truyền cho lao động quá hạn ở Hàn Quốc trở về, nhiều địa phương đã thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bình xét gia đình văn hóa. Cùng với đó, nhiều địa phương đề nghị đẩy mạnh giáo dục định hướng cho người đi XKLĐ. Khi có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, họ sẽ về nước đúng hạn để không ảnh hưởng đến số lượng rất lớn NLĐ đang có nhu cầu đi XKLĐ.
Để quản lý người đi XKLĐ, Nhà nước nên có một chính sách đồng bộ. Hiện nay, việc tuyển dụng lao động đi xuất khẩu do các DN được phép tuyển dụng trực tiếp không thông qua ngành LĐ-TB-XH cấp huyện dẫn tới tình trạng khó nắm bắt, theo dõi và quản lý lao động đi XKLĐ và hết hạn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần có sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, gắn với các chỉ tiêu thi đua khen thưởng ở các cấp thôn, làng, tổ dân phố. Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Đông Anh Hoàng Văn Hoàn |
- Kinh doanh mảng mâm xe, lốp xe, ắc quy Thế Giới Mâm Lốp
- Trình dược viên ETC Công Ty TNHH Thương Mại Bách Quang
- Giám đốc sản xuất Công Ty TNHH SX - TM - DV Lê Trần
- Nhân viên kế toán Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Nhựa Duy Tân
- Nhân viên kinh doanh xuất khẩu Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Nhựa Duy Tân
- Nhân viên kế toán kho Công Ty Cổ Phần Vật Liệu Vĩnh Tân
- Nhân viên hành chính nhân sự Công Ty Cổ Phần Thương Mại Và Công Nghệ Lâm Linh Phú
- Giám sát thi công nội thất Công Ty Cổ Phần Thương Mại Và Công Nghệ Lâm Linh Phú
- Kỹ sư shopdawing Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kỹ Thuật Đức Dương
- Kỹ sư giám sát hệ cơ Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kỹ Thuật Đức Dương