Cẩm nang việc làm

Lao động giúp việc gia đình thiệt đủ đường

12-11-2017

Có tới 75% số lao động giúp việc gia đình là người di cư, gần 97% chưa qua đào tạo nghề, tuổi trung bình là 45

Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và cộng đồng (GFCD) ngày 11-11 cho biết hiện chưa có số liệu cụ thể về số lượng người lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, số liệu tổng hợp từ các nghiên cứu cho thấy lao động giúp việc gia đình chiếm 4%-10% lực lượng lao động ở các quốc gia đang phát triển và 1%-2,5% ở các quốc gia công nghiệp phát triển. Trong đó, phụ nữ chiếm đến 90%.

 

Tại Việt Nam, tỷ lệ giúp việc gia đình tăng trong những năm gần đây. Theo khảo sát của GFCD, có tới 75% số lao động là người di cư; gần 97% chưa qua đào tạo nghề, tuổi trung bình là 45. Dù Luật Lao động 2012 quy định việc sử dụng lao động giúp việc gia đình phải có hợp đồng lao động nhưng thực tế phần lớn lao động giúp việc gia đình đều không ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, các thành phố lớn, theo khảo sát chỉ có 3% có BHXH; 19,5% có BHYT và gần 49% muốn ký kết hợp đồng với gia chủ.

 

Đáng chú ý, về mức thu nhập, cao nhất hiện nay là lao động giúp việc chăm sóc người già, người bệnh với mức thu nhập từ 9 đến 15 triệu đồng/tháng; trông trẻ em khoảng 5 triệu đồng/tháng; giúp công việc nhà khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này còn phụ thuộc vào điều kiện làm việc, yêu cầu công việc, kỹ năng nghề. Tuy nhiên, hầu hết lao động giúp gia đình hiện nay là thỏa thuận miệng nên khi xảy ra tranh chấp thường bị thua thiệt.

 

 

Cục Quan hệ lao động và tiền lương cho biết hành lang pháp lý bảo vệ lao động giúp việc gia đình đã có từ Luật Lao động 2012, đến Thông tư hướng dẫn số 19 quy định có hợp đồng lao động, đóng BHXH, BHYT, thời gian làm việc... Tuy nhiên, trên thực tế lao động giúp việc đều không ký kết hợp đồng lao động, nên khi phân xử đều bị thua thiệt. Do đó, với sự hỗ trợ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Cục đã đề xuất xây dựng hợp đồng mẫu tiêu chuẩn phù hợp với loại hình giúp việc gia đình để có thể bảo vệ lao động khi xảy ra tranh chấp".

K.An