Biết người biết ta: Bạn đã chuẩn bị những gì nhà tuyển dụng cần chưa?
23-09-2017Nếu có một cuộc hẹn phỏng vấn trong vài ngày sắp đến, tốt hơn hết ứng viên nên tiếp tục nghiên cứu vài thông tin quan trọng về nhà tuyển dụng, bởi đây có thể là vũ khí bí mật mang đến cho bạn lợi thế lớn trong suốt buổi trò chuyện đấy!
Tìm hiểu cẩn thận về doanh nghiệp là một trong những cách tốt nhất để bạn trở thành ứng viên nổi bật nhất trong quá trình tuyển dụng. Bằng cách tập trung khả năng điều tra và phân tích như một thám tử vào nhà tuyển dụng, bạn sẽ khám phá ra các chi tiết về họ để chuẩn bị tốt hơn cho mọi cuộc phỏng vấn.
Có lẽ bạn sẽ tự hỏi “Sao tôi phải dành thời gian tìm hiểu nhà tuyển dụng?”. Lý do hàng đầu, nghiên cứu về công ty là cách tốt nhất để biết được họ đang làm gì và tìm kiếm điều gì ở ứng viên. Từ đó bạn có thể chuẩn bị hành trang tốt hơn để trả lời những câu hỏi và thể hiện mình như là tiềm năng số một.
Vậy nếu đã để tâm chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn sắp tới thì bạn đừng quên tìm hiểu 7 điều sau đây về nhà tuyển dung nhé!
1. Những kỹ năng và kinh nghiệm nào được đánh giá cao
Trước hết, bạn nên biết công ty mình muốn gia nhập đang tìm kiếm ứng viên với tiêu chuẩn ra sao. Điều này cho phép bạn định vị mình chính là người mang giá trị phù hợp.
Muốn biết đủ và đúng về tiêu chuẩn này, hãy đọc thật kỹ lưỡng các dòng mô tả chi tiết trong mẩu tin tuyển dụng của họ. Ứng viên cũng có thể tìm kiếm thêm thông tin từ website nghề nghiệp của công ty nhằm có thêm ý tưởng về mẫu người mà họ chào đón. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn cũng có thể tiếp cận với những nhân viên hiện đang làm việc tại công ty và hỏi thăm về những phẩm chất và năng lực được công ty đề cao.
2. “Yếu nhân” của công ty
“Yếu nhân” của công ty chính là những người nắm giữ các vị trí quan trọng chủ chốt trong bộ máy tổ chức doanh nghiệp. Những cá nhân này có thể là nhân sự quản lý, giám đốc bộ phận và đặc biệt là CEO hoặc Chủ tịch HĐQT công ty.
Bạn có thể tìm ra ai là người chủ chốt trong tổ chức bằng cách đọc trang giới thiệu (About us) về công ty, ban lãnh đạo và tiểu sử nhân viên. Một ý tưởng hay khác nữa là tìm kiếm thông qua các trang mạng xã hội trực tuyến như Linked In, Facebook, Twitter để biết xem các cá nhân này nói gì về công ty.
3. Các tin tức nổi bật và sự kiện gần đây
Khi bạn tham gia một buổi phỏng vấn việc làm, nắm bắt đầy đủ và cập nhật từ trước những tin tức mới nhất liên quan đến công ty luôn là hướng đi đúng đắn.
Hầu hết công ty đều có bố trí một danh mục trên trang web để chia sẻ các thông cáo báo chí và tin tức về hoạt động hay sự kiện của họ. Đây là nguồn tin tuyệt vời để ứng viên tìm kiếm những tin tức chuẩn xác, chính thức và quan trọng.
4. Văn hoá, sứ mệnh và giá trị của doanh nghiệp
Người tìm việc nên có khả năng nói một cách tự tin rằng họ phù hợp với văn hoá công ty trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Trên thực tế, một nghiên cứu của Millennial Branding đã cho thấy rằng 43% chuyên gia nhân sự tin rằng sự phù hợp văn hoá sẽ là phẩm chất quan trọng nhất mà ứng viên cần thể hiện trong quá trình tuyển dụng.
Khi nghiên cứu về nhà tuyển dụng, hãy chú ý đến những gì họ viết trên website về sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về văn hoá công ty bằng cách theo dõi các trang mạng xã hội hay hội nhóm trực tuyến của họ.
5. Khách hàng, sản phẩm và dịch vụ
Là nhân viên tiềm năng, bạn cần phải có nhận thức về loại hình công việc mà mình sẽ phụ trách nếu được tuyển dụng. Với việc nắm bắt khái quát về đối tượng và phân khúc khách hàng cũng như các loại sản phẩm, dịch vụ chính công ty đang cung cấp, nghĩa là bạn đã có sự chuẩn bị tốt để vượt qua vòng phỏng vấn.
Tìm kiếm trên website sẽ giúp ứng viên biết công ty đang bán sản phẩm gì. Thêm vào đó, hãy đọc các bài blog, câu chuyện nổi bật hoặc báo cáo của công ty để hiểu biết rõ hơn những thành quả của họ.
6. “Sự thật ẩn giấu”
Nhằm giúp người tìm việc có thể chuẩn bị toàn diện cho buổi phỏng vấn, các website việc làm như CareerBuilder hay Glassdoor đã hỗ trợ những công cụ nhằm khám phá các thông tin nội bộ tiềm ẩn sâu hơn về nhà tuyển dụng, điều không thể tìm thấy trên các website công ty.
Khi sử dụng các trang web này, bạn có thể tìm thấy các thông tin điển hình về số liệu lương, chức năng và nhiệm vụ của nhân viên, các đánh giá về công ty, chi tiết quy trình tuyển dụng và hơn thế nữa.
7. Người phỏng vấn
Cuối cùng, bạn nên cố hết sức tìm ra ai là người phỏng vấn. Điều này tạo cho bạn lợi thế trong buổi phỏng vấn bởi bạn sẽ có cơ hội kết nối tốt hơn với người đối diện và mang đến một cuộc trò chuyện thật ý nghĩa, đầy ấn tượng.
Nhiệm vụ tìm ra người trực tiếp phỏng vấn mình đôi khi có vẻ khó khăn, nhưng ứng viên có thể xác định được tên của họ qua vài cuộc điều tra nho nhỏ. Đầu tiên, hãy thử tìm tên của người đó trong các email và cuộc gọi trao đổi liên quan đến công việc. Còn nếu không tìm thấy bất kỳ thông tin nào, hãy phản hồi một cách lịch sự và hỏi về tên của người bạn sẽ gặp.
Một khi đã có được tên người phỏng vấn, hãy làm một đợt nghiên cứu trên Linked In, Facebook và các trang mạng xã hội. Thao tác này sẽ cho bạn một cái nhìn nền tảng về người phỏng vấn, vị trí và phạm vi quản lý của họ trong công ty và thậm chí là cả những mối quan tâm hay sở thích tương đồng cả hai cùng chia sẻ.
Trên đây là 7 thông tin chúng tôi khuyên mọi ứng viên đều phải lưu tâm tìm hiểu kỹ trước khi có mặt tại bất kỳ mọi cuộc phỏng vấn tìm việc. Còn có chi tiết quan trọng nào bạn cho rằng nên bổ sung vào danh sách gợi ý này không, hãy cùng chia sẻ với CareerBuilder Việt Nam nhé!
- Kỹ sư điện Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Công Nghệ Thông Minh
- Giám sát thi công công trình điện Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Công Nghệ Thông Minh
- Kỹ sư điện Công Ty Cổ Phần Telinme
- Nhân viên chăm sóc khách hàng Công Ty TNHH Phần Mềm Nhân Hòa
- Nhân viên bán hàng qua điện thoại Công Ty TNHH Phần Mềm Nhân Hòa
- Kỹ sư QA/QC Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Công Nghiệp Việt
- Kỹ sư xây dựng Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Và Kết Cấu Thép Đại Tín
- Nhân viên hành chính nhân sự Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Và Kết Cấu Thép Đại Tín
- Kỹ sư giám sát Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kỹ Thuật Đức Dương
- Kỹ sư cơ khí Công Ty TNHH SX - TM - DV Lê Trần