Cẩm nang tuyển dụng

Thất vọng với đề xuất tăng lương tối thiểu 2018

08-08-2017

Với 8/14 thành viên bỏ phiếu thông qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% để trình Chính phủ xem xét, quyết định

Sáng 7-8, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã tổ chức phiên họp lần 3, cũng là phiên họp cuối cùng để bàn, thương lượng về mức đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018.

 

Mức tăng thấp nhất từ trước tới nay

 

Nếu như lần đầu tại cuộc họp hôm 26-7 ở Đồ Sơn, TP Hải Phòng, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam (đại diện người lao động - NLĐ) đề xuất mức tăng 13,3%, còn đại diện phía sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất không tăng thì tại cuộc họp lần 2 ngày 28-7 ở Hà Nội, mức đề xuất đã thu hẹp khi Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng 8%, còn VCCI đề xuất tăng 5%.

 

Thất vọng với đề xuất tăng lương tối thiểu 2018

Thất vọng với đề xuất tăng lương tối thiểu 2018

Với đồng lương eo hẹp, bữa cơm của công nhân vắng bóng thịt cá Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Đánh giá về phiên họp thứ 3, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết các thành viên đều hy vọng đạt được sự đồng thuận bởi trong 2 phiên họp trước, các bên đều thể hiện thiện chí. Hội đồng đã đưa ra 2 phương án tăng LTT vùng năm 2018 là 6,5% và 7% để bỏ phiếu. "Kết quả bỏ phiếu có 6/14 thành viên chọn phương án tăng 7%, 8/14 thành viên chọn tăng 6,5%. Do đó, hội đồng quyết định lựa chọn phương án tăng 6,5% để trình Chính phủ xem xét, quyết định" - ông Doãn Mậu Diệp nói.

 

Nếu phương án này được Chính phủ thông qua, mức LTT năm 2018 ở vùng 1 sẽ tăng từ 3,75 triệu đồng/tháng hiện nay lên 3,98 triệu đồng/tháng (tăng 230.000 đồng), vùng 2 từ 3,32 triệu đồng lên 3,53 triệu đồng/tháng (tăng 210.000 đồng), vùng 3 từ 2,9 triệu đồng/tháng lên 3,09 triệu đồng/tháng (tăng 190.000 đồng) và vùng 4 từ 2,58 triệu đồng lên 2,76 triệu đồng/tháng (tăng 180.000 đồng).

 

Không thỏa mãn cả hai bên

 

Đánh giá về kết quả cuối cùng, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đại diện NLĐ chưa cảm thấy thỏa mãn với mức tăng 6,5%. Tuy nhiên, mức tăng này thể hiện sự chia sẻ rất lớn của NLĐ với doanh nghiệp. Theo ông Mai Đức Chính, tổ chức Công đoàn mong muốn mức tăng thấp nhất cũng phải bằng mức tăng năm 2017 - tức là 7,3%.

 

Thất vọng với đề xuất tăng lương tối thiểu 2018

Đại diện Hội đồng Tiền lương quốc gia trả lời báo chí ngay sau khi kết thúc phiên họp Ảnh: VĂN DUẨN

 

Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại 17 tỉnh, thành cho kết quả hơn 51% NLĐ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; hơn 20% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% thu nhập không đủ sống và chỉ 16% NLĐ có tích lũy. "Với mức tăng lương 6,5% năm 2018 thì lộ trình tăng LTT đáp ứng mức sống tối thiểu theo điều 91 Bộ Luật Lao động phải phải kéo dài đến sau năm 2020" - ông Mai Đức Chính nhấn mạnh.

 

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, đại diện giới chủ cũng chưa hài lòng với kết quả này. Ông Hoàng Quang Phòng lý giải việc tăng LTT vừa giúp tăng mức sống của NLĐ nhưng cũng phải bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển. "Đề xuất này thực tế đã vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp, trong khi đang cần phải tạo "dư địa" cho doanh nghiệp có cơ sở phát triển bền vững và cạnh tranh" - ông Phòng bày tỏ.

 

"Ngay cả khi LTT đáp ứng được mức sống tối thiểu thì điều kiện sống của NLĐ chưa chắc đã tăng vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. NLĐ không nên chỉ trông chờ vào việc tăng LTT vùng hằng năm. Chúng tôi mong muốn NLĐ phải phấn đấu hơn trong công việc, nâng cao trình độ tay nghề, kỷ luật lao động và năng suất lao động. Qua đó, NLĐ có thêm tiền thưởng về năng suất lao động, thưởng cải tiến kỹ thuật, chế độ phúc lợi xã hội khác mà chủ doanh nghiệp mang lại. Chỉ có sự cố gắng của hai bên thì mức sống của NLĐ mới có thể tăng lên được" - ông Hoàng Quang Phòng nhìn nhận.

 

Hai bên tính toán mức sống tối thiểu khác nhau

 

Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng việc xác định mức sống tối thiểu cần dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm. Hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng. Với phương án tăng lương trung bình 6,5% thì LTT đáp ứng 92%-96% mức sống tối thiểu.

 

Theo ông Diệp, sự chênh lệch giữa LTT và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam.

Văn Duẩn

WORKBANK.VN - Ngân hàng việc làm trực tuyến hàng đầu Việt Nam, luôn cập nhật thông tin việc làm mới nhất trên toàn quốc, được thành lập năm 2008.

Giới thiệu
Thỏa thuận sử dụng
Quy chế hoạt động
Chính sách bảo mật thông tin
Cơ chế giải quyết tranh chấp

Liên hệ

Phone:
028.6264.9264 / 028.6264.9283
Mobile:
0913.49.71.71 - 0974.906.609
Email:
support@workbank.vn
Địa chỉ:
Xem bản đồ
Hợp tác đầu tư:
0983.852.025

Copyright © by WORKBANK.VN. All right reserved. Giấy tiếp nhận: 246/PTTH&TTĐT của Cục PTTH-TTĐT cấp ngày 7/11/2008.

Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Phan Quang - GPKD: 0303685627 - Do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - Cấp ngày: 10/03/2005

Trụ sở: 343/42 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM - Điện thoại: 028.6264.9264 - 028.6264.9283

Ads by PQC