Cẩm nang tuyển dụng

Công nhân trên 35 tuổi thất nghiệp: Ai để doanh nghiệp lách luật?

22-07-2017

Luật lao động không phân biệt tuổi tác. Khi họ vẫn còn độ tuổi lao động thì doanh nghiệp phải sử dụng và không thể đưa ra các điều kiện

Lao động 35 tuổi đi xin việc là rất khó trong khi đất đai nông nghiệp cũng hạn chế do các khu công nghiệp mọc lên nhiều

 

Sa thải công nhân gây tác động xấu

 

Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh việc nhiều công nhân (CN) có độ tuổi trên 35 đứng trước nguy cơ thất nghiệp do người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc tìm cách sa thải, GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng đây là vấn đề cần phải nhìn nhận hết sức nghiêm túc. Vị chuyên gia thừa nhận, các doanh nghiệp đang có tâm lý muốn tìm những lao động trẻ, nhanh nhạy để tuyển dụng. Bởi lẽ các chế độ tiền lương, chính sách với nhóm đối tượng này ít hơn. Trong khi những người lao động (NLĐ) có kinh nghiệm thường nhiều tuổi hơn, dẫn đến chậm chạp, thậm chí bảo thủ, khó sai bảo. Tuy nhiên tiền lương hay các chế độ khác dành cho nhóm này lại cao hơn. "Luật lao động không phân biệt tuổi tác. Khi họ vẫn còn độ tuổi lao động thì doanh nghiệp (DN) phải sử dụng và không thể đưa ra các điều kiện. DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) làm vậy để ép những người có kinh nghiệm, có thâm niên. Lao động 35 tuổi đi xin việc là rất khó trong khi đất đai nông nghiệp cũng hạn chế do các khu công nghiệp mọc lên nhiều", ông Dung khẳng định.

 

Công nhân trên 35 tuổi đối diện nguy cơ thất nghiệp cao. Ảnh minh họa

 

Trong khi đó, GS.TS Lê Sỹ Thiệp, nguyên Trưởng khoa Khoa Quản lý nhà nước về Kinh tế, Học viện hành chính quốc gia nhận định, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động làm thuê thực chất là mối quan hệ dân sự. Nó được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên về nội dung công việc, tiền công, điều kiện lao động, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm,.. của mỗi bên trong quá trình thực thi các thỏa thuận trên. Đặc biệt, nó được thể hiện thành văn bản, có dấu ấn chứng thực của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại. "Việc không tiếp nhận lao động người Việt quá 35 tuổi, ưu tiên tiếp nhận những người có tuổi từ 15 đến 18 của các chủ doanh nghiệp FDI là quyền của họ. Người sử dụng lao động nào cũng cần thuê những người lao động đủ điều kiện về Tâm - Tài - Lực để đảm nhận công việc mà họ cần lao động, trong độ tuổi là một tiêu chí thể hiện sức lực của người làm thuê", ông Thiệp khẳng định.

 

Tuy nhiên, việc các chủ DN FDI thường viện các lý do như, DN không có nhu cầu lao động, không có việc làm, chuyển địa điểm kinh doanh, thay đổi công nghệ sản xuất. GS Nguyễn Sỹ Thiệp cho rằng cần phải nhìn nhận lại cách quản lý và điều hành của phía Việt Nam. "Đó là một phản ứng bình thường của các DN vì mục tiêu lợi ích, lợi nhuận. Tuy nhiên đứng về phía Việt Nam, đó là sự quản lý nhà nước không bình thường. Việc các chủ DN FDI lách luật và "cãi được" chứng tỏ rằng, vấn đề quản lý hoặc "khờ khạo", hoặc thiếu trách nhiệm với dân, cao hơn là, hoặc bị mua chuộc", ông Thiệp nhấn mạnh.

 

Theo vị chuyên gia, việc giải quyết chế độ sớm đối với những người  lao động (NLĐ) của các chủ DN FDI trước hết sẽ ảnh hưởng đến sự "an cư, lạc nghiệp" của NLĐ. Không chỉ có thế, vấn đề này còn tác động xấu đến nhiều mặt trong xã hội của Việt Nam. Trước hết là đời sống người dân bất ổn, thứ hai là danh giá Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI.

 

Phải đẩy mạnh kinh tế tư nhân

 

Một vấn đề khác được GS.TS Nguyễn Đăng Dung nhắc đến, đó là lao động của Việt Nam trình độ tương đối thấp, chủ yếu dừng lại ở khâu gia công đơn giản. Do đó DN FDI không cần phải tăng lương cho lao động có thâm niên mà hoàn toàn có thể tuyển dụng lao động trẻ thay thế.

 

"Khi nhà nước ký các dự án là phải đưa ra các điều khoản, không được phân biệt giữa lao động trẻ và lao động già. Cần phải giám sát chặt chẽ hơn để yêu cầu doanh nghiệp làm nghiêm chỉnh", GS Dung nhấn mạnh.

 

GS.TS Lê Sỹ Thiệp cũng không đồng tình trước suy nghĩ của nhiều người cho rằng Việt Nam đang yếu thế trước doanh nghiệp FDI. Theo ông Thiệp, do nền kinh tế, đời sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn, nên nhiều khi chúng ta phải thu hút đầu tư bằng mọi cách mà không quá chú trọng đến vấn đề đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Do đó, để giải quyết triệt để tình trạng trên, ông Thiệp khẳng định, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh thúc đẩy mạnh hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân và thu hẹp dần khối DN nhà nước hoạt động kém hiệu quả."Vì Kinh tế tư nhân kém phát triển nên buộc NLĐ Việt Nam phải làm thuê cho doanh nghiệp FDI, một số nhỏ may mắn thì làm thuê ở nước ngoài. Trong khi đó, khối DN nhà nước ngày càng phình ra nhiều nhưng hoạt động không hiệu quả, thất thoát tài sản, tham nhũng", ông Thiệp khẳng định.

 

Ngoài ra, đối với các DN FDI, cần phải thay đổi cách quản lý chặt chẽ hơn để không xảy ra những điều đáng buồn trong quan hệ lao động của khu vực này.  Theo ông Thiệp, quy định của chúng ta đã có khá cụ thể nhưng việc này lâu nay chưa được các cơ quan quản lý, giám sát nhà nước thực hiện một cách nghiêm túc.

Nguyễn Hoàn - Báo Đất Việt

WORKBANK.VN - Ngân hàng việc làm trực tuyến hàng đầu Việt Nam, luôn cập nhật thông tin việc làm mới nhất trên toàn quốc, được thành lập năm 2008.

Giới thiệu
Thỏa thuận sử dụng
Quy chế hoạt động
Chính sách bảo mật thông tin
Cơ chế giải quyết tranh chấp

Liên hệ

Phone:
028.6264.9264 / 028.54052.777
Mobile:
0913.49.71.71 - 0974.906.609
Email:
support@workbank.vn
Địa chỉ:
Xem bản đồ
Hợp tác đầu tư:
0983.852.025

Copyright © by WORKBANK.VN. All right reserved. Giấy tiếp nhận: 246/PTTH&TTĐT của Cục PTTH-TTĐT cấp ngày 7/11/2008.

Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Phan Quang - GPKD: 0303685627 - Do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - Cấp ngày: 10/03/2005

Trụ sở: 343/42 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM - Điện thoại: 028.6264.9264 - 028.54052.777