Truyền nhân nức tiếng làng gốm Mỹ Thiện
21-06-2017Bà con gọi ông là truyền nhân của làng gốm. Trải bao thăng trầm, ông vẫn cố giữ và phục hồi nghề gốm Mỹ Thiện nổi tiếng
Gặp ông Đặng Văn Trịnh sau khi ông dự Festival làng nghề toàn quốc ở Huế trở về, ông khoe: "Trong số nghệ nhân của 40 làng nghề truyền thống toàn quốc về dự, tôi may mắn được chọn là một trong 10 nghệ nhân đại diện cho các làng nghề thắp hương trong lễ tế tổ bách nghệ của nước Việt".
Độc đáo gốm đắp nổi rực rỡ men màu
Nhà ông nằm sâu trong khu dân cư thuộc tổ dân phố số 2, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn nhưng người dân Quảng Ngãi lâu rồi vẫn quen gọi là làng gốm Mỹ Thiện bởi làng nghề nổi tiếng qua nhiều thế kỷ. Người dân đã đem niềm ước mong, sự cố gắng để đặt tên đất, tên làng.
Ông Trịnh đang kiểm tra sản phẩm gốm trang trí qua một lần nung. Ảnh: VÕ QUÝ
Hỏi chuyện nghề, ông cười hồn hậu: "Không phải nhà tôi mà dòng họ Đặng nhiều đời làm nghề gốm. Nội tôi - ông Đặng Mậu - thời Pháp thuộc đã được triều đình ban thưởng vì có tài mỹ nghệ. Những năm đầu thế kỷ XX, làng nghề thịnh lắm. Cứ sớm sớm cánh thợ gánh gồng đất sét từ cầu Ô Sông, xã Bình Long ra bán. Còn người làng gốm thì già trẻ thay nhau cứ nhào đất tạo hình rồi đắp lò nung sản phẩm. Từ làng có con đường chạy thẳng ra bến Củi nằm bên sông Trà Bồng luôn rộn tiếng nói cười của những chị em phụ nữ. Họ gánh sản phẩm ra để các thương thuyền chất đầy rồi xuôi dòng ra cửa biển Sa Cần đưa sản phẩm gốm Mỹ Thiện đến muôn nơi.
Gốm Mỹ Thiện có hai dòng sản phẩm. Dòng thứ nhất là sản phẩm thông thường như ui, ghè thạp, ché đựng rượu cần và một dòng khác là sản phẩm gốm trang trí có xối men.
"Này nhé, ghè gốm dùng để đựng nước, đựng lúa. Còn ui dùng để muối mắm. Mắm cá nục, cá cơm đem muối trong thạp gốm là đệ nhất ngon. Còn những chiếc ché theo thuyền ghe đưa lên mạn ngược bán cho đồng bào dân tộc H’re, Kor, Ka Dong để đựng rượu cần" - ông Trịnh say sưa nói.
Đưa tôi ra lò gốm, có khá nhiều những bình hoa và ui, ghè, thạp, chậu vừa mới nung ra lò, ông Trịnh kể: "Từ nhỏ tôi ở với nội. Nội dạy: "Không như các dòng gốm khác, thường hoa văn, họa tiết khắc chìm trên thân sản phẩm, còn gốm Mỹ Thiện của mình thì hoa văn, họa tiết đắp nổi. Hình ảnh trang trí trên sản phẩm thường là đôi rồng chầu kiểu lưỡng long tranh châu, hay rồng thăng, hoặc bụi trúc, hoặc con chuột". Nội tôi bảo muốn giữ được nghề, ngoài sự cần cù, chịu khó còn cần sự khéo léo…".
Lời nội dạy từ bé ông đã nằm lòng nên lệ thường sau giờ học, ông lại đến lò để phụ giúp nội. Cái nghề vận vào ông từ bao giờ chẳng hay để rồi ông cùng làng gốm trải bao phen thăng trầm mà vẫn cố giữ nghề. Cái tên Trịnh "gốm" cũng vận vào ông từ lâu.
Để có một sản phẩm gốm, người làng phải qua hai công đoạn nhồi đất, tạo hình, đắp hoa văn, họa tiết rồi đưa vào lò nung. Sau một tuần thì mở lò đem sản phẩm ra. Nếu là sản phẩm dân dụng thông thường thì người làng mang ra đem bán. Còn những sản phẩm gốm trang trí thì sau khi vớt ra chờ cho nguội lửa, xối men rồi đem nung một tuần nữa mới thành hình. Men gốm Mỹ Thiện được người làng pha chế từ đá thạch anh, đất trắng, đá son có sẵn ở trong vùng. Điều độc đáo nhất là sau khi nung qua lửa lần thứ hai, những sản phẩm có cùng tiêu bản nhưng gam màu khác nhau như xanh lam, nâu, vàng, cánh gián, cua đồng… Đó là nhờ ngọn lửa của lò nung sản phẩm ở nhiều góc khác nhau làm men thay màu mà dân làng nơi đây gọi là "hỏa biến".
Hữu xạ tự nhiên hương
Những năm sau ngày thống nhất đất nước, HTX gốm Mỹ Thiện hình thành. Nhưng cách làm ăn theo kiểu đánh kẻng đi làm và tính bằng công điểm, HTX chỉ hoạt động cầm chừng. Rồi sau đó sản phẩm nhựa lên ngôi nên HTX đành giải thể. Dân làng gốm phiêu dạt nhiều nơi. Để kiếm sống và giữ nghề của cha ông, ông Trịnh cùng với các ông Phạm Ngôn, Phạm Thiểm, Phạm Phụ bàn bạc cùng nhau bỏ vốn đắp một lò gốm.
Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh cùng vợ là Phạm Thị Cúc góp phần phục hồi làng gốm Mỹ Thiện. Ảnh: VÕ QUÝ
Những năm đó, ông Trịnh cùng các chủ lò cũng nhào đất, tạo hình đem nung. Nhưng có mẻ gốm khi mở cửa lò, sản phẩm bị vỡ 30% hoặc thậm chí 50%. Ba ông chủ gốm phân vân "hay nghiệp tổ không còn đãi nữa" nên đã tự rút lui, chuyển sang làm nghề khác. Thế là cái lò gốm chỉ còn lại mỗi mình ông Trịnh. Ngày ngày ông nhào nặn đất sét để vợ ông - bà Phạm Thị Cúc chuốt tạo hình sản phẩm rồi ông đắp hoa văn chuyển vào lò nung. "Những ngày đen tối ấy chỉ còn vợ động viên chồng và chồng động viên vợ cùng nhau cố gắng làm, đem sản phẩm bán ở chợ Châu Ổ và các xã lân cận mà thôi" - ông Trịnh nhớ lại. Chưa kể có quãng thời gian vợ chồng ông phải tắt lửa lò gốm. Vợ ông đi phụ bán quán ăn để gia đình cơm cháo qua ngày.
Bất ngờ là trong những ngày khó khăn đó, có một người khách nước ngoài từ Mỹ tìm đến ông. Họ đưa cho ông xem những tấm ảnh chụp một tiêu bản sản phẩm gốm Mỹ Thiện mà họ tìm thấy trên đất Mỹ và quyết định sang đây tìm đến làng nghề. Sau khi xác định đúng dòng gốm Mỹ Thiện, họ đã đặt ông làm một số sản phẩm. Lò gốm cũ sau một thời gian gián đoạn đã nổi lửa trở lại. Đến khi giao sản phẩm cho khách, ông nhận được nhiều lời khen. Cũng năm đó, ông Lâm Zủ Xênh, một người sưu tầm đồ cổ ở địa phương mê dòng sản phẩm gốm Mỹ Thiện, thấy ông Trịnh rơi vào cảnh khó khăn nên vận động quyên góp giúp 7 triệu đồng để vợ chồng ông vượt qua cơn bĩ cực. Cầm số tiền bán sản phẩm và tiền giúp đỡ, ông bàn với vợ vay mượn thêm để trở lại với nghề.
Bây giờ thì lò gốm của ông Trịnh nổi lửa quanh năm. Cứ sau nửa tháng đốt nung cho ra 2.000-3.000 sản phẩm gốm trang trí và gốm vật dụng thông thường. Ông cười, nói: "Tôi đã nghĩ sản phẩm của mình có men màu "hỏa biến" thì tại sao mình không "biến" như sản phẩm". Suy nghĩ này giúp ông vượt qua nhiều khó khăn. Ông kể: 10 năm trước, ông Nguyễn Đức Huy, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Huế, đặt ông một mẻ sản phẩm gốm trang trí để mang về Huế trưng bày, ông ừ liền. Rồi sau đó họa sĩ Phạm Cung ở TP HCM đến đặt ông làm tiêu bản gốm tượng các nhạc sĩ để mang về TP. Thế là ông nhồi đất, tạo hình, còn khuôn mặt của các nhạc sĩ thì ông Phạm Cung tự làm rồi hướng dẫn ông cùng làm. Ông Lâm Zủ Xênh, người từng giúp ông năm xưa ngày càng mê dòng gốm Mỹ Thiện. Ông Xênh dành hẳn một ngôi nhà cổ để trưng bày và bán buôn các sản phẩm của dòng gốm này. Ngoài những tiêu bản gốm Mỹ Thiện sưu tầm từ nhiều năm trước, ông Xênh còn đặt ông Trịnh làm thêm một số sản phẩm để trưng bày, mua bán góp phần để tiếng tăm dòng gốm Mỹ Thiện có dịp vươn xa.
Rồi cuộc sống khá dần lên. Nhiều người Quảng làm ăn thành đạt bỏ tiền của xây dựng nhà thờ, sửa chữa lại những ngôi nhà cổ, họ tìm đến ông để mua sản phẩm về trang trí. Những nhà sưu tập đồ gốm yêu dòng gốm Mỹ Thiện cũng tìm đến đặt hàng với những bình hoa, hũ đựng rượu cần theo đúng tiêu bản gốc của làng.
Ông Trịnh bộc bạch: "Nghiệp tổ còn đãi thì tôi phải cố gắng làm. Nhưng cho dù những sản phẩm gốm trang trí có đắt hàng bao nhiêu thì mình cũng không quên mặt hàng gia dụng như cối, ui, ghè, thạp, chậu để đáp ứng nhu cầu của bà con. Bởi những sản phẩm này đã cứu mình trong những tháng ngày khó khăn nhất của nghề". |
- Kỹ sư điện Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Công Nghệ Thông Minh
- Giám sát thi công công trình điện Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Công Nghệ Thông Minh
- Kỹ sư điện Công Ty Cổ Phần Telinme
- Nhân viên chăm sóc khách hàng Công Ty TNHH Phần Mềm Nhân Hòa
- Nhân viên bán hàng qua điện thoại Công Ty TNHH Phần Mềm Nhân Hòa
- Kỹ sư QA/QC Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Công Nghiệp Việt
- Kỹ sư xây dựng Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Và Kết Cấu Thép Đại Tín
- Nhân viên hành chính nhân sự Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Và Kết Cấu Thép Đại Tín
- Kỹ sư giám sát Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kỹ Thuật Đức Dương
- Kỹ sư cơ khí Công Ty TNHH SX - TM - DV Lê Trần