Cẩm nang tuyển dụng

Công nhân dệt may, da giày trước nguy cơ mất việc

13-06-2017

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 đang ở giai đoạn đầu, giai đoạn chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới.

Tuy nhiên những yếu tố mà các nước đang phát triển như Việt Nam coi là ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, chi phí thấp sẽ không còn ưu thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng.

 

Thế mạnh sẽ không còn "khỏe"

 

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có đến 86% lao động cho các ngành Dệt may và giày dép của Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc CMCN 4.0. Nguy cơ này có thể chuyển thành con số thiệt hại không hề nhỏ khi các ngành như dệt may, giày dép đã tạo ra số lượng lớn việc làm cho lao động trong nước.

 

 

Trong quá trình tiến tới thời điểm "dân số vàng", khoảng 20 năm qua, tổng số lao động Việt Nam đã tăng thêm khoảng 19 triệu người, từ mức 35 triệu (năm 1996) lên 54 triệu (năm 2016). Điều này là lợi thế khi nhiều nước phát triển đang suy giảm nguồn lao động, nhưng lại là điểm yếu khi máy móc làm thay con người.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang dồn nỗ lực để thoát khỏi "bẫy" thu nhập trung bình, chứ chưa có nhiều nguồn lực để đối phó như các nước đã phát triển. Điều đó cũng có nghĩa, lợi thế nguồn nhân lực lớn hiện nay rất có thể lại trở thành lực cản của quá trình phát triển trong tương lai, nếu tác động tiêu cực của CMCN 4.0 không được chủ động hóa giải.

 

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho: "Trình độ của người lao động (NLĐ) Việt Nam hiện nay rất phù hợp với khâu gia công, chứ khâu yêu cầu trình độ cao, ví dụ như dệt nhuộm yêu cầu phải đào tạo rất bài bản".

 

Trong khi đó, đối với ngành Công nghệ thông tin tại Việt Nam, ước tính mỗi năm, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng đều đặn gần 50%, trong khi thực tế với 500.000 ứng viên công nghệ thông tin ra trường chỉ có 8% đáp ứng được nhu cầu này. Thực tế này cho thấy, chất lượng nguồn lao động có kỹ thuật hiện đang trở thành đòi hỏi bức thiết. Bà Đàm Thị Hồng Lan, Giám đốc Công ty VietBay cho biết: "Nguồn nhân lực thực sự vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, một phần là do trong hệ thống nhà trường nhất là những trường đào tạo về kỹ thuật còn áp dụng những công nghệ rất cũ trong công tác giảng dạy. Khi cuộc CMCN 4.0 ra đời thì các doanh nghiệp (DN) sẽ đòi hỏi họ cũng phải thay đổi, phát triển để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Muốn đáp ứng như vậy thì họ cần nguồn nhân lực cao hơn".

 

Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao

 

Để chủ động thích ứng và hóa giải thách thức, việc xác định lại mô hình đào tạo nghề cần được cấp thiết tiến hành. Song song với việc nâng cao chất lượng lao động, cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo "những gì thị trường cần" và hướng tới chỉ đào tạo "những gì thị trường sẽ cần".

 

Với mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong DN để chia sẻ các nguồn lực chung: Cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống.

 

Theo nhiều chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 đang là thách thức hiện hữu đối với lao động Việt Nam. Kỷ nguyên công nghệ số mang đến những cơ hội đột phá về năng suất, phát triển nhân lực công nghệ cao. Thế nhưng chính điều này cũng đã khiến cho hàng chục nghìn lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc làm dù chưa đến tuổi nghỉ hưu. Bởi vậy nếu không sớm đưa ra các giải pháp thì Việt Nam không chỉ trở lên tụt hậu mà còn phải đối mặt với gánh nặng chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho hàng chục nghìn lao động trước nguy cơ thất nghiệp.

 

Thách thức từ cuộc CMCN 4.0 về vấn đề lao động cũng được đề cập nhiều tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ 2. Theo đó, các nền kinh tế APEC không chỉ riêng Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ dư thừa lao động ở một số ngành nghề. Do vậy liên kết để tạo ra môi trường cho sự luân chuyển và trao đổi lao động đang là giải pháp mà các nền kinh tế APEC hướng tới. Kinh nghiệm của các Chính phủ trong nền kinh tế APEC là tạo ra môi trường làm sao để NLĐ có thể tiếp cận được, có thể sống được, hòa nhập được khi mà thế giới trải qua cuộc CMCN 4.0

 

Cùng với những nỗ lực như trên, một điều cực kỳ quan trọng là Việt Nam không thể không quan tâm phát triển ngành tự động hóa, đồng thời đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, năng lượng và vật liệu mới, công nghệ sinh học... Xét đến cùng, vấn đề quan trọng là phải đào tạo, phát huy và sử dụng được nhân tài, thu hút được nhiều chuyên gia có trình độ cao tham gia làm việc, sáng tạo.

Theo Bình Yên - Báo Thanh tra

WORKBANK.VN - Ngân hàng việc làm trực tuyến hàng đầu Việt Nam, luôn cập nhật thông tin việc làm mới nhất trên toàn quốc, được thành lập năm 2008.

Giới thiệu
Thỏa thuận sử dụng
Quy chế hoạt động
Chính sách bảo mật thông tin
Cơ chế giải quyết tranh chấp

Liên hệ

Phone:
028.6264.9264 / 028.6264.9283
Mobile:
0913.49.71.71 - 0974.906.609
Email:
support@workbank.vn
Địa chỉ:
Xem bản đồ
Hợp tác đầu tư:
0983.852.025

Copyright © by WORKBANK.VN. All right reserved. Giấy tiếp nhận: 246/PTTH&TTĐT của Cục PTTH-TTĐT cấp ngày 7/11/2008.

Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Phan Quang - GPKD: 0303685627 - Do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - Cấp ngày: 10/03/2005

Trụ sở: 343/42 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP. HCM - Điện thoại: 028.6264.9264 - 028.6264.9283