Cẩm nang việc làm

Tham chiếu thông tin ứng viên

26-03-2012 11:49 GMT+7

Trong quy trình tuyển dụng của hầu hết các công ty, tham chiếu thông tin (reference check) là một trong những phần rất quan trọng, thậm chí là bắt buộc. Vậy tham chiếu thông tin là gì? Trước khi đưa ra một lời mời làm việc, các nhà tuyển dụng, thông thường, sẽ thực hiện việc xác minh thông tin của ứng viên.

Có những trường hợp, các nhà tuyển dụng trước kia không đồng ý cung cấp thông tin của nhân viên cũ ngoại trừ những thông tin như ngày bắt đầu làm việc, ngày kết thúc và tiền lương.

Tuy nhiên, trên thực tế, họ có thể sẵn sàng chia sẻ nhiều thông tin hơn về hiệu suất làm việc, đạo đức nghề nghiệp, thái độ làm việc và các yếu tố khác của bạn.

Kết quả từ việc tham chiếu này sẽ ảnh hưởng đến quyết định liệu một ứng viên có được nhà tuyển dụng chọn hay không. Lưu ý sau đây sẽ giúp ứng viên chuẩn bị tốt cho quá trình tham chiếu:

Lựa chọn người cho ý kiến tham chiếu

Thông thường, các nhà tuyển dụng sẽ tiến hành tham chiếu thông tin trên ít nhất là 2 người mà bạn cung cấp.

Vì vậy, để chắc rằng bạn không bỏ qua những cơ hội nghề nghiệp tốt nhất, hãy chuẩn bị sẵn sàng nếu bạn được yêu cầu cung cấp danh sách những người có thể cho ý kiến tham chiếu.

Điều quan trọng là phải xác định ai sẽ là người cho ý kiến tham chiếu về bạn, để chọn đúng người và để có được sự cho phép của họ. Bạn cần những người có thể xác minh rằng bạn đã từng làm việc tại công ty cũ, chức vụ của bạn, lý do bạn rời khỏi, và các chi tiết khác.

Ngoài nhà tuyển dụng cũ thì các đối tác, các khách hàng, các nhà cung cấp hay thậm chí là giáo viên cũ của bạn đều có thể là những người xác minh thông tin tuyệt vời.

Xin thư giới thiệu khi nghỉ việc

Khi rời khỏi một vị trí, bạn nên yêu cầu một lá thư giới thiệu từ người quản lý. Bởi vì, khi thời gian trôi qua, họ có thể đã thuyên chuyển công việc và bạn có thể mất liên lạc với họ.

Do đó, với thư giới thiệu trong tay, bạn có thể cung cấp chúng cho những nhà tuyển dụng mà bạn muốn ứng tuyển trong tương lai.

Kết nối

Để tránh trường hợp người cho ý kiến tham chiếu vì quá bận rôn mà trì hoãn hoặc không trả lời nhà tuyển dụng của bạn, bạn hãy chủ động liên lạc và kết nối tạo điều kiện cho thông tin liên lạc được kịp thời giữa hai bên.

Bạn nên bắt đầu bằng cách cung cấp email, số điện thoại liên lạc của người cho ý kiến tham chiếu cho nhà tuyển dụng. Ngoài ra, nên liên lạc trước với họ để biết lịch trình làm việc của họ và thời điểm nào là thời điểm thuận lợi để họ có thể trò chuyện với nhà tuyển dụng của bạn.

Sau đó, hãy cho nhà tuyển dụng của bạn biết những thông tin này.

Luôn nói sự thật

Đừng nên phóng đại hay thổi phồng những thành tích mà bạn đã đạt được. Nguy cơ bị phát hiện là rất cao. Bạn sẽ bị mất điểm và điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cá nhân cũng như sự nghiệp lâu dài của bạn.

Chọn lọc trong việc chia sẻ thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội

Ngày nay, những nhà tuyển dụng có nhiều cách để kiểm tra thông tin bạn. Với một cú click chuột, họ có thể tìm kiếm thông tin về bạn trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn,...

Có trường hợp nhà tuyển dụng đã từ chối ứng viên vì dựa trên những thông tin họ tìm thấy trên Facebook. Chính vì thế, cần chọn lọc thận trọng những thông tin mà bạn muốn chia sẻ.

Tại một số nước phát triển, các nhà tuyển dụng phải tham chiếu rất nhiều thông tin trước khi tuyển dụng một vị trí, đặc biệt là các vị trí quản lý cấp cao, chẳng hạn như kiểm tra lý lịch tư pháp, kiểm tra tín dụng...

Các công ty có thể thuê một cơ quan kiểm tra lý lịch chuyên nghiệp để thực hiện việc kiểm tra thông tin ứng viên. Tại thị trường lao động Việt Nam, các nhà tuyển dụng đang bắt đầu sử dụng những hình thức tham chiếu này trong quá trình tuyển dụng.
Doanh Nhân Sài Gòn