Cẩm nang việc làm

Nhận diện sếp tồi khi dự phỏng vấn

23-09-2017 10:02 GMT+7

Dù đã nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc cẩn thận trước khi nhận lời gia nhập một công ty, nhưng đôi khi điều này vẫn không giúp chúng ta tránh được một người sếp vô cùng khủng khiếp.

Dù đã nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc cẩn thận trước khi nhận lời gia nhập một công ty, nhưng đôi khi điều này vẫn không giúp chúng ta tránh được một người sếp vô cùng khủng khiếp. Theo một số khảo sát thì trung bình cứ 5 nhân viên sẽ có 1 người làm việc với quản lý chẳng ra sao cả. Thật không may nếu bạn rơi vào trường hợp đó, bởi sếp là một đối tượng “không thể phớt lờ”. Quyết định của sếp sẽ là nhiệm vụ bạn phải thực hiện, còn phong cách hành xử của sếp thì luôn có khả năng tác động đến cảm xúc và tinh thần của mọi nhân viên.

 

Một khi đã đề cập đến chủ đề này rồi thì chúng ta hãy cùng tìm giải pháp! Theo nhiều chuyên gia nhân sự của CareerBuilder.vn, cách làm chủ động nhất đó chính là nhận diện sếp tồi ngay vòng phỏng vấn để phòng tránh thiệt hại. Bạn đừng quên quan sát biểu hiện của những người phỏng vấn được giới thiệu là lãnh đạo công ty, giám đốc phòng ban hoặc cấp trên trực tiếp khi bạn có cơ hội gặp mặt và trò chuyện cùng họ trong những đợt phỏng vấn sắp tới!

 

 

Dưới đây là phân tích tổng hợp về 5 kiểu sếp có phong cách quản lý “cực chán” cần hết sức đề phòng:

 

Sếp độc đoán và tự cao

 

Biểu hiện: Sếp đến trễ giờ phỏng vấn để ứng viên phải chờ mà không có thông báo trước, không giải thích và xem đó như chuyện nhỏ phải chấp nhận. Khi giao tiếp tỏ thái độ trịch thượng, uy quyền và chứng minh sức mạnh của người “bề trên”. Nhiều khả năng người phỏng vấn này sẽ thường xuyên có những hành động như ngắt lời, chê bai và lên lớp ứng viên; hoặc trái lại, tỏ thái độ thờ ơ, xem thường và không lắng nghe đối phương.

 

Đặc điểm: Đây là kiểu sếp tự cho mình “là vương là tướng”. Trong mọi trường hợp, họ luôn thể hiện như người có quyền nhất, thông minh nhất, hành động đúng nhất. Nhìn chung, sếp sẽ nghĩ mình “đỉnh” nhất trong mọi việc, hiếm khi chấp nhận ý kiến hay góp ý của người khác, thậm chí sẵn sàng trừng phạt thẳng tay khi phát hiện có ai đó chống đối.

 

Làm việc “dưới trướng” của vị tướng thế này, tài năng của bạn sẽ dễ bị vùi dập hoặc lãng phí chẳng nguyên do, gây cảm giác ức chế.

 

2. Thùng rỗng kêu to

 

Biểu hiện: Bất chấp tuổi đời trẻ hay già, người phỏng vấn mang dáng dấp của ông sếp “thùng rỗng kêu to” chắc chắn sẽ nói năng cực kỳ tự tin, thích “tỏ vẻ nguy hiểm” và thao thao bất tuyệt trưng trổ kiến thức uyên thâm, sâu rộng trong mọi hoàn cảnh. Đôi khi ứng viên còn thấy mình bất đắc dĩ trở thành một khán giả nhẫn nại ngồi im lắng nghe chuyên gia “thuyết giảng” về đủ thứ kiến thức, kinh nghiệm, bí quyết giúp làm nghề thành công và không thể lên tiếng ngay cả khi thông tin đó chưa chính xác. Rốt cuộc, bạn chưa kịp biết gì về công ty và công việc quan tâm, ngoại trừ quá nhiều thông tin về người sếp tương lai đầy hào hứng trước mặt.

 

Đặc điểm: Người nói nhiều chưa chắc đã nói hay và đúng. Thực tế đôi khi còn buồn cười ở chỗ những sếp thích thể hiện kiến thức lại chính là những người quản lý “dốt” và kém năng lực trên thực địa. Biểu hiện quá sốt sắng mà bạn thấy có thể xuất phát từ sự hiếu chiến của một anh “ngựa non háo đá” hoặc cũng có thể là mong muốn khẳng định vị thế, chứng tỏ thâm niên của một bác tuổi đời cao.

 

Bạn sẽ khó lòng đạt được hiệu suất cao, thiếu cơ hội học hỏi và phát triển bài bản khi theo chân một người lãnh đạo xem trọng lý thuyết hơn thực tiễn. Hơn nữa, đôi khi còn phải gánh chịu những sự quyết định khắt khe hay đối xử vô lý dưới áp lực tâm lý và khát vọng thể hiện bản thân của sếp.

 

3. Quản gia hay soi mói

 

Biểu hiện: Đưa ra những câu hỏi không đúng mực (như tôn giáo, tình trạng hôn nhân) một cách thiếu tế nhị, thắc mắc quá nhiều lần và liên tục về những vấn đề riêng tư không liên quan đến công việc. Điều này chứng tỏ họ không hề được trang bị kỹ năng phỏng vấn đúng cách.

 

Đặc điểm: Những vị sếp này rất quan tâm đến từng chi tiết, thích cầm tay chỉ việc, ít tôn trọng không gian riêng tư và đôi khi can thiệp quá sâu một cách không cần thiết vào các công việc nhân viên đang đảm trách. Họ cho rằng mình có quyền được biết mọi thứ và yêu cầu cấp dưới phải thực hiện đủ loại báo cáo từ lớn đến nhỏ gây lãng phí thời gian làm việc.

 

 

Làm nhân viên của “sếp quản gia” sẽ rất ngột ngạt, luôn bị quản thúc và rút cạn năng lượng nên lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi. Sống chung với lũ lâu dần bạn trở nên ù lì và mất động lực sáng tạo.

 

4. Vô tâm và không có quan điểm

 

Biểu hiện: Một sếp giỏi sẽ đưa ra những câu hỏi phỏng vấn nhằm thử thách khả năng, khiến bạn bộc lộ điểm mạnh, điểm yếu. Vì thế, nếu chỉ hỏi những câu mà họ có thể tự tìm thấy nội dung trả lời trong hồ sơ của bạn, đây là dấu hiệu cho thấy người phỏng vấn không hề cố gắng tìm ra khả năng thật sự của bạn. Thêm vào đó, họ có vẻ gặp khó khăn khi giải thích về tầm nhìn/văn hoá công ty. Còn ứng viên chia sẻ gì họ cũng gật gù như đây là thông tin vô cùng chính xác, không cần bàn cãi nhưng rồi sẽ quên ngay sau đó.

 

Đặc điểm: Đối nghịch với kiểu quản lý chi li, tiểu tiết thì người sếp này lại mang phong cách thờ ơ, chẳng quan tâm đến ai ngoài bản thân cùng những lợi ích của chính mình. Đây có khả năng là người sếp làm việc “được chăng hay chớ”, không đầu tư nhiều nỗ lực để tìm kiếm kết quả xuất sắc. Thậm chí, họ cũng không buồn bày tỏ chính kiến hay bảo vệ quan điểm, chờ công ty “sai đâu đánh đó”.

 

Gặp kiểu quản lý thế này thì nhân viên sẽ không được quan tâm, bảo vệ, và tất nhiên, khó có cơ hội phát triển bản than và sự nghiệp tương lai.

 

5. Sếp mập mờ, thiếu minh bạch

 

Biểu hiện: Trong một cuộc phỏng vấn, nếu nhà tuyển dụng tỏ ra bối rối và không trả lời được câu hỏi của bạn về vị trí họ đang làm hoặc về công ty, điều này cho thấy họ không thực sự gắn kết với công việc. Bên cạnh đó, nếu bạn đặt câu hỏi về lý do nhân sự cũ ra đi mà nhà tuyển dụng từ chối trả lời, có biểu hiện khó chịu hoặc thậm chí trả lời với thái độ mỉa mai, đây có thể không phải môi trường tốt để làm việc. Có quá nhiều thứ sếp và công ty muốn che giấu!

 

Đặc điểm: Đây là kiểu sếp thích giữ thông tin làm của riêng để cảm nhận mình có giá trị. Hiếm khi phổ biến kế hoạch và giải thích định hướng phát triển doanh nghiệp cho cấp dưới. Họ chia sẻ tin tức theo cách nhỏ giọt, bắt nhân viên làm việc trong tình trạng thiếu thông tin đối chiếu, tham khảo lẫn cập nhật kết quả.

 

Có một người quản lý thông tin không nhất quán, tường minh sẽ khiến nhân viên chẳng biết phải làm gì cho đúng. Đồng thời, bạn cũng khó được công nhận năng lực và tưởng thưởng xứng đáng với cho những đóng góp.

 

Hi vọng rằng sau khi tham khảo các gợi ý bên trên, bạn sẽ có thêm chỉ dẫn và tự tin để tìm cho mình một người sếp tuyệt vời khiến bạn sẵn lòng làm việc. Hãy “chọn mặt gửi vàng” để yên tâm cống hiến và theo đuổi nghề nghiệp yêu thích một cách bền vững, lâu dài nhé!

Nguồn ảnh: Internet - CareerBuilder Việt Nam