Cẩm nang việc làm

Khó xin việc vì cái mác thực tập sinh

27-05-2017 08:32 GMT+7

Ngày càng nhiều thực tập sinh Việt Nam được cử sang Nhật Bản nhưng sau khi về nước, trình độ và nguyện vọng của họ không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo tại một trong những thị trường lao động chất lượng cao của thế giới.

Sáng 26-5, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phổi hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo "Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh (TTS) kỹ năng".

 

Doanh nghiệp "ngại" tuyển TTS vì yêu cầu lương cao

 

Số lượng các thực tập sinh (TTS) kỹ năng Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản trong 5 năm gần đây đã tăng gấp 10 lần. Tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người, đưa số lượng TTS của Việt Nam đứng đầu tại Nhật Bản

 

Làm việc tại Nhật Bản TTS được đào tạo nhiều kỹ năng lao động chất lượng cao. Cùng với đó, theo tính toán cơ bản của Nhóm nghiên cứu Chương trình TTS kỹ năng do VEPR thực hiện, TTS có thể kiếm được 44.500 USD. Sau khi trừ các khoản chi phí ban đầu, TTS Việt Nam sẽ tiết kiệm được 23.000 USD sau thời gian lao động tại Nhật Bản.

 

Điều đáng nói là, công việc tại Nhật Bản của 49% TTS không liên quan đến công việc mà họ đã làm hoặc từng học trước đó. Hiện nhiều TTS Việt Nam từ Nhật Bản về không phát huy được các kỹ năng đã được đào tạo tại Nhật Bản, thậm chí khó hòa nhập với xã hội và môi trường làm việc dù có những "kỹ năng quốc gia của Nhật".

 

Có tận 61% TTS sau khi về Việt Nam lựa chọn công việc không liên quan đến công việc đã làm tại Nhật Bản. Khảo sát TTS theo loại hình nghề nghiệp thì trước khi đi Nhật, 5,26% TTS thất nghiệp nhưng sau khi về thì số lượng thất nghiệp lại tăng lên đến 11,4%.

 

Theo đại diện Phòng Nhật Bản – Châu Âu – Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH), do được đào tạo những kỹ năng lao động chất lượng cao, có thu nhập cao nhưng khi về nước không tìm được việc làm phù hợp với  kỹ năng và mức lương nên nhiều lao động "nản".

 

Một nhóm thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản

 

Khảo sát tại Hà Nam cho thấy, lao động tại các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản chủ yếu là công nhân. TTS chỉ chiếm 1% và thường làm các vị trí quản lý nhóm, dây chuyền, nhân viên có trình độ. Lý giải nguyên nhân ít tuyển dụng TTS, DN cho biết TTS thường có yêu cầu mức lương cao hơn so với mức trung bình mà DN có thể trả. Mức chênh lệch vào khoảng 100 USD. Trong khi đó, nguồn lao động trong nước có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho vị trí nhân viên và công nhân với mức lương thấp hơn. Cùng với đó, TTS làm việc "không khác gì về chuyên môn so với các nhân viên khác nhưng họ tuân thủ nội quy, tự giác thực hiện các quy định giống văn hóa làm việc của người Nhật" – một quản lý DN tại Hà Nam cho biết.

 

Vì vậy giải quyết việc làm cho các TTS sau hồi hương là vấn đề rất cần quan tâm để giảm thiếu số LĐ trốn ở lại sau khi hết hợp đồng, cũng như khai thác nguồn lao động có kỹ năng này. Ông Umeda Kunio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, hiện nhiều DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa. Các DN này rất chú ý đến năng lực ngoại ngữ, chuyên môn của những TTS kỹ năng đã làm việc tại Nhật Bản và nhu cầu tuyển dụng đối với các TTS ngày càng gia tăng.

 

Giảm môi giới để giảm chi phí

 

Theo quy định TTS đi Nhật Bản 3 năm thì chi phí phải nộp không quá 3.600 USD. Nhưng ông Nguyễn Đức Thành – thay mặt nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu về Chương trình TTS kỹ năng cho biết, một trong  những vấn đề của TTS là chi phí tham gia vào Chương trình cao (khoảng 5.300 USD) khiến TTS phải vay nợ trong giai đoạn đầu. Số tiền vay nợ trung bình là 4.700 USD/TTS.

 

Chi phí cao vì đa số DN phái cử phải nhờ qua môi giới trung gian để tiếp cận nguồn lao động và các DN phái cử mới gia nhập thị trường "có xu hướng trả tiền cho các nghiệp đoàn để có được đơn hàng thay vì cạnh tranh bằng cách giảm chi phí tuyển dụng".

 

Trước áp lực trả nợ lớn, TTS thường vì tập trung vào kiếm tiền mà sao nhãng việc học hỏi kỹ năng, đặc biệt trong 7 tháng đầu tiên tại Nhật Bản. Không kể tình trạng nhiều lao động bị Công ty xuất khẩu lao động lừa nên không đạt mục đích khi sang Nhật Bản mà trở thành những người lưu trú phi pháp, vi phạm pháp luật của Nhật Bản. Cùng với đó, việc khó tìm việc làm đúng với kỹ năng được đào tạo tại Nhật Bản sau khi hồi hương khiến nhiều NLĐ tìm cơ hội trốn ở lại Nhật Bản, ảnh hưởng đến uy tín của DN phái cử nói riêng và lao động Việt Nam nói chung.

 

Vì vậy, Nhóm khảo sát chỉ rõ, để tạo cầu nối giữa sự gia tăng nhanh chóng trong nhu cầu về lao động ngành công nghiệp ở Việt Nam và sự gia tăng về số lượng TTS trở về, cần giải quyết được sự khập khiễng kỹ năng của TTS với nhu cầu DN.

 

Trước hết TTS cần thay đổi tư duy và hành động khi tham gia Chương trình. Trong đó họ cần có mục tiêu dài hạn và chuẩn bị kế hoạch học tập để phục vụ cho quá trình làm việc tại Nhật Bản cũng như sau khi về Việt Nam.

 

Đồng thời Nhóm khảo sát kiến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm hỗ trợ DN phái cử quản lý TTS. Cải thiện tính minh bạch của thị trường, giảm vai trò của môi giới, nâng cao vai trò và năng lực của DN phái cử để từ đó giảm chi phí tuyển dụng, đỡ gánh nặng cho TTS để họ chuyên tâm tích lũy kỹ năng, tri thức ngay từ những ngày đầu sang Nhật Bản. Tăng cường giới thiệu các kênh và hình thức cung cấp thông tin, dịch vụ cho các bên liên quan. Bản thân DN phái cử phải nâng cao khả năng liên hệ trực tiếp với ứng viên tham gia Chương trình để giảm chi phí trung gian, từ đó giảm chi phí cho DN và TTS….

 

Ông Umeda Kunio – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Luật TTS kỹ năng nước ngoài mới được thông qua tại Nhật Bản sẽ có hiệu lực vào tháng 11với nhiều thay đổi lớn. Hai điểm thay đổi chính là gia hạn thêm 2 năm đào tạo và tăng số lượng TTS tại các DN tiếp nhận.

Theo đánh giá của VEPR, đây là cơ hội để Việt Nam giảm tỷ lệ bỏ trốn, thúc đẩy trao đổi nhân lực với Nhật Bản. Đồng thời, TTS có thêm thời gian học kỹ năng, cải thiện thu nhập. DN phái cử thu hút TTS dễ dàng hơn và DN tiếp nhận nhận được nhiều TTS hơn, ổn định lao động. Đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức cho Chính phủ trong gia tăng áp lực quản lý cộng đồng TTS ngày càng đông tại Nhật Bản. TTS phải vượt qua kỳ thi kỹ năng quốc gia của Nhật.


Rút ngắn khoảng cách giữa TTS và DN

Đó là mục đích chính của Cổng thông tin kết nối việc làm cho TTS (www.ttsjapan.vn) vừa được đại diện FUJITSU Việt Nam giới thiệu tại Hội thảo.

Theo đó, các TTS có thể tìm kiếm được việc làm phát huy những kỹ năng đã học hỏi được tại NB, giúp họ giải quyết vấn đề thiếu hụt thông tin và cân nhắc về định hướng nghề nghiệp trong tương lai sau khi về Việt Nam.

Qua Cổng thông tin, DN phái cử có thể hỗ trợ TTS sau khi về nước và DN tuyển dụng cũng nhận được những thông tin cần thiết để tìm kiếm LĐ và chuẩn bị cho nhân sự trong tương lai khi đầu tư vào Việt Nam. Cổng thông tin dự kiến được đưa vào vận hành trong 1 tháng tới.

Theo Huy Anh - báo Pháp Luật Việt Nam