Chuyên môn, ngoại ngữ: Điểm yếu của lao động Việt Nam
23-11-2017 08:52 GMT+7
10 tháng đầu năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động của cả năm, đồng thời mở rộng nhiều thị trường mới
Đây được coi tin vui cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) sau một thời gian dài chật vật tìm kiếm thị trường, giữ vững được hoạt động của doanh nghiệp.
Cạnh tranh ngày càng gay gắt
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tổng số lao động nước ta đi làm việc ở nước ngoài 10 tháng đầu năm nay là 106.127 người. Theo kế hoạch, năm 2017, ngành lao động đặt mục tiêu đưa 105 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó các thị trường trọng điểm tiếp tục là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Như vậy, sau 10 tháng, ngành LĐ-TB-XH đã đạt mục tiêu xuất khẩu lao động của năm 2017, con số lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt 101% kế hoạch năm. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động.
Riêng với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng thực tập sinh lớn nhất trong 15 quốc gia phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản. Sau hơn 20 năm, đã có hơn 150.000 lượt thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng phái cử thực tập sinh Việt Nam gần đây cũng có những cải thiện rõ rệt.
Tuy vượt chỉ tiêu của năm, nhưng theo ông Đinh Thái Hà, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Ánh Sao, năm 2017 được coi là năm vượt khó của các doanh nghiệp (DN) XKLĐ. Bởi với các thị trường được xác định là trọng điểm như Đài Loan, Hàn Quốc đều rất khó khăn. Cụ thể, đối với thị trường Đài Loan, điểm tiếp nhận lao động xuất khẩu chính của Việt Nam trong nhiều năm qua đã bắt đầu có dấu hiệu thoái trào. "Đối với thị trường này, Công ty của tôi đã phải cố gắng giảm phí, đưa ra các điều kiện cạnh tranh về làm việc, nội dung hợp đồng mới cạnh tranh được với các DN XKLĐ khác. Đồng thời, tuy số lượng lao động xuất khẩu tăng khá nhiều, nhưng để cạnh tranh được với các DN XKLĐ khác, chúng tôi đã phải tăng chi phí khai thác phát triển thị trường tiếp nhận lao động dẫn đến số lượng lao động phái cử tăng nhưng doanh thu của công ty lại thấp hơn các năm trước. Còn đối với thị trường Hàn Quốc, tình trạng lao động bỏ trốn từ vài năm qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuyển lao động từ các địa phương", ông Hà cho biết thêm.
Chuyển hướng mở rộng thị trường
Nhiều DN hiện đang rất nỗ lực tìm kiếm các thị trường mới, hợp đồng thu nhập cao cho người lao động. Nhưng đối với các thị trường tiềm năng, có mức thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt thì quy trình, thủ tục, các điều kiện tuyển dụng, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của những thị trường này rất khắt khe. Có thể kể đến thị trường Australia, với nhu cầu lao động cho khoảng 170 ngành nghề khác nhau từ nghề làm bánh, làm tóc, giết mổ gia súc đến chuyên gia kỹ thuật..., hàng năm nước này cần rất nhiều lao động người nước ngoài ở các dạng chuyên gia và lao động bán lành nghề.
Tuy nhiên để có thể xuất khẩu lao động sang thị trường này thì cũng đòi hỏi lao động phải đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn khá khắt khe. Cụ thể, lao động phải có nghề nghiệp đã được đào tạo cũng như chứng chỉ hoặc văn bằng chuyên môn phù hợp với yêu cầu công việc của chủ sử dụng. Bên cạnh đó, lao động cần phải được xác nhận bằng văn bản của đơn vị mà lao động đã làm việc trong nước về kinh nghiệm làm việc. Đồng thời, trình độ tiếng Anh của lao động phải đạt tiêu chuẩn do Australia quy định (chứng chỉ được quốc tế công nhận). Đây được coi là điểm yếu nhất của lao động Việt Nam khiến các DN XKLĐ rất khó tìm được nguồn.
Xác định những khó khăn trên ngay từ đầu năm, ông Nguyễn Việt Hưng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty Tư vấn và Đầu tư thương mại Việt Nhân cho rằng, thay vì tập trung mở rộng tại các thị trường có yêu cầu khó, Công ty đã tập trung vào xúc tiến tại các thị trường phù hợp hơn với chất lượng lao động của Việt Nam như Lào, Thái Lan, các nước châu Phi. "Từ nay đến cuối năm, Công ty chúng tôi đã ký được thêm 2 hợp đồng cung ứng lao động sang Lào, thực hiện từ nay cho đến giữa năm sau với mức lương khá ổn", ông Hưng cho biết thêm. Theo ông Hưng, cơ hội việc làm ở Lào rất nhiều, là đất nước đang trong giai đoạn phát triển nên Lào cần khá nhiều lao động phổ thông và lao động có tay nghề nhằm phát triển cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó Việt Nam và Lào có hợp tác rất nhiều trên phương diện hỗ trợ cũng như đầu tư khiến cho việc sang Lào làm việc rất dễ dàng. Lương khi đi làm việc từ thị trường này dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, hầu hết các lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường này đều rất dễ thích nghi bởi chi phí tại đây khá rẻ, ngôn ngữ Việt được sử dụng khá thông dụng. Đây được coi là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam khi tìm kiếm và mở rộng thêm thị trường.
Còn theo ông Dương Đức Mạnh, Giám đốc phòng Đào tạo Công ty TNHH Thương mại Thành Xuân, từ nay đến cuối năm chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển lao động cho đơn hàng xuất khẩu sang Lào với yêu cầu chỉ cần lao động giỏi tiếng Việt và biết tiếng Anh giao tiếp, ưu tiên người biết tiếng Hoa. Đánh giá về thị trường này, ông Mạnh cho biết, đây là thị trường mới nhưng gần gũi với văn hóa tiêu dùng người Việt, phù hợp với lao động mới vào nghề, xem như bước trải nghiệm thực tập hiệu quả. |
- Nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng Công Ty TNHH Thịnh Gia Huy
- Nhân viên kiểm soát chất lượng, QC Công Ty TNHH Thịnh Gia Huy
- Nhân viên kỹ thuật xây dựng dân dụng Công Ty TNHH MTV DPT
- Nhân viên vật tư Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Đông Hưng
- Nhân viên kinh doanh Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Đông Hưng
- Nhân viên kế hoạch mua hàng sản xuất Công Ty TNHH MTV Kỹ Thuật Tú Lộc
- Chuyên viên mua hàng Tập Đoàn Kim Tín
- Trưởng ca sản xuất Tập Đoàn Kim Tín
- Nhân viên pháp lý Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên dự toán đấu thầu Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành