Cẩm nang việc làm

Bí quyết đối phó với vị sếp 'bề trên'

12-07-2012 09:48 GMT+7

Đôi khi, trong giao tiếp hàng ngày tại công sở, bạn cảm thấy sếp tỏ ra ngạo mạn, không tôn trọng nhân viên và công sức của họ .
Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn nhận ra rằng "vẻ bề trên" thể hiện qua giọng nói nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Thông thường, chúng ta không nên quá để ý đến từng lời ăn tiếng nói của người khác. Tuy nhiên, nếu bạn có cảm giác đang bị "dắt tay chỉ bảo" như một đứa trẻ, một nhân viên học việc mới toanh hay một người thiếu suy nghĩ, thiếu chính kiến thì chúng ta cần có phương án giải quyết thật chuyên nghiệp.

Đánh giá trung thực, khách quan

Bạn có thể bắt đầu bằng việc dành cho sếp một sự đánh giá thật chân thành, trung thực, khách quan, không bị tình cảm cá nhân chi phối. Bởi có thể, một lúc nào đó, bạn hiểu nhầm ý sếp hoặc quá nhạy cảm để coi những lời sếp nói như sự dạy bảo của một kẻ bề trên.

Bạn cần hiểu, trong môi trường công việc, kinh doanh căng thẳng, sếp khó tránh khỏi những giây phút nóng nảy, cộc cằn. Họ chỉ tập trung vào công việc thực sự mà không mấy để ý đến cảm xúc của những người xung quanh.

Vì thế, bạn hãy đặt mình vào tình huống của sếp để đánh giá một cách trung thực, công bằng, xem liệu đây có phải là một vấn đề nghiêm trọng hay chỉ vì bạn quá chú trọng đến cảm xúc, quá nhạy cảm hay không.


Khi sếp tỏ ra kẻ cả, bề trên, bạn không nên tỏ vẻ khó chịu mà hãy tìm cách
 đối phó thật chuyên nghiệp - (Ảnh minh họa)

Chọn hình thức nói chuyện "mặt đối mặt”

Đừng vội nghĩ rằng sếp chỉ giỏi lên mặt, kẻ cả với cấp dưới. Có thể bạn đang hiểu sai những giai điệu trong giọng nói của sếp. Để tránh những hiểu nhầm không đáng có này, bạn nên cố gắng nói chuyện với sếp theo hình thức đối diện càng nhiều càng tốt. Lúc đó, bạn sẽ nhìn thấy vẻ mặt, ánh mắt, cử chỉ của sếp chứ không khó khăn như nói chuyện qua điện thoại hay trao đổi qua email nữa.

Ngay cả khi bạn biết một người nào đó rất rõ, những tín hiệu cảm xúc vẫn có thể bị bỏ qua và việc hiểu sai ý rất dễ xảy ra. Nhưng khi mặt đối mặt, bạn ít có khả năng hiểu sai những gì đang xảy ra, cảm xúc của người đối diện.

Thẳng thắn trao đổi

Đôi khi, ngay cả những người luôn có ý thức cao về việc đánh giá bản thân cũng hoàn toàn không biết về những tác động họ gây ra đối với những người khác. Có thể, sếp của bạn được bao bọc trong thế giới riêng của mình, không nghe thấy giọng điệu bề trên trong giọng nói của bản thân và tất nhiên, không hiểu nhân viên đang cảm thấy khó chịu, không thoải mái.

Đôi khi, một cuộc thảo luận lịch thiệp, không đối đầu có thể khiến sếp chú ý và suy nghĩ về cách ăn nói của mình. Bạn hãy cụ thể những gì đang xảy ra và ảnh hưởng của nó đến công việc, sau đó, thẳng thắng đưa ra yêu cầu cụ thể đối với sếp. Nếu sếp của bạn là một người có tâm, tầm, tài, chắc chắn, sếp sẽ suy nghĩ và thay đổi dần cách hành xử của mình đối với nhân viên.

Coi đó không phải là vấn đề của mình

Tất nhiên, làm việc với những vị sếp tỏ ra bề trên sẽ khiến bạn cảm thấy bức bối, khó chịu, nhưng đừng quá chú tâm vào điều đó. Hãy coi như đó không phải là vấn đề của cá nhân mà nên xem xét một chút những gì đang xảy ra với sếp.

Điều gì gây ra cách ứng xử này, liệu sếp đang bị căng thẳng hay gặp rắc rối gì đó? Sếp gặp vấn đề về lòng tự trọng nên mới tìm cách hạ thấp người khác để cảm thấy mình tốt hơn chăng? Để ý một chút, bạn có thể phát hiện ra một điều gì đó khiến cho hành vi của sếp trở nên dễ chấp nhận hơn và bạn dễ bỏ qua vì đó không phải là vấn đề của bạn.

Đôi khi những đặc điểm dễ gây mất lòng người khác lại thuộc về bản tính, nhưng không có gì mà bạn có thể làm để thay đổi chúng. Chỉ cần nhớ: đó là vấn đề của họ, không phải của bạn. Hãy thoải mái với thực tế rằng, nếu bạn nhìn thấy điều đó, những người khác cũng nhìn thấy và loại hành vi này sẽ tồn tại trong cuộc sống, sự nghiệp như của họ một thời gian nhất định.
Zing News