Cẩm nang việc làm

"Đón đầu" những đợt "tấn công" của nhà tuyển dụng

08-11-2011 10:02 GMT+7

Bạn từng bị “khớp” do nhà tuyển dụng “tấn công dồn dập” bằng các câu hỏi khó hoặc liên tục “chèn ép”, “bắt bài” trong buổi phỏng vấn? Làm sao để vượt qua áp lực tâm lý căng thẳng và ứng xử khôn ngoan nhất trong tình huống này?


"Dồn ép - khiêu khích” là một trong những kỹ thuật phỏng vấn thường thấy của nhà tuyển dụng nhằm xem xét khả năng ứng biến và độ nhanh nhạy của ứng viên trong xử lý tình huống; nhưng cũng có thể là do tâm trạng của bản thân người phỏng vấn tạo nên. 10 lời khuyên sau sẽ giúp bạn "đón đầu” được hết những đợt tấn công khó chịu này:

Giữ bình tĩnh

"Hãy giành vài giây để tự trấn tĩnh mình” là lời khuyên của chuyên gia Roberta Chinsky Matuson thuộc Công ty Human Resource Solutions. "Bạn cần trả lời câu hỏi với giọng bình tĩnh, đĩnh đạc. Lúc đó, người phỏng vấn sẽ tự động ngừng khiêu khích, nhất là khi cách đối đáp của bạn khiến người khác nể phục, chứ không tạo điều kiện để họ tiếp tục lấn át.”

Uốn lưỡi bảy lần

"Đừng để thủ thuật dồn ép của người phỏng vấn khiến bạn buột miệng nói ra những điều mà sau này bạn phải hối tiếc. Hãy nhớ rằng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp là vô cùng rộng lớn và những thông tin hay hành vi không thỏa đáng của bạn trong buổi phỏng vấn hôm nay có thể sẽ có những ảnh hưởng khó lường và lâu dài đến các mối quan hệ của bạn”, theo Justin C. Honaman, chuyên gia về công nghệ và quy trình kinh doanh chiến lược.

Tin vào chính mình

Stephen R. Balzac, chủ tịch công ty tư vấn tổ chức nhân sự 7 Steps Ahead, cho biết, "Bạn càng tự tin thì càng dễ dàng ứng biến vì bạn biết mình không phải đang đối mặt với sự bắt chẹt ác ý. Chính vì vậy bạn có cách để hỏi ngược lại nhà tuyển dụng về cách thức tiến hành buổi phỏng vấn: liệu có điều gì không ổn hay thời điểm phỏng vấn không thích hợp. Từ đây, bạn sẽ đánh giá được thái độ dồn ép của người phỏng vấn là do vấn đề cá nhân của họ như đang mất tập trung vì việc khác, lo lắng về công việc nào đó, đang trong trạng thái căng thẳng; hay là "chiêu thức” mà nhà tuyển dụng dùng để đánh giá bạn.”

"Điều tra” người phỏng vấn

Theo tư vấn viên nghề nghiệp Angela Lussier của Công ty 365 Degrees, nếu không khí buổi phỏng vấn cởi mở và phù hợp, bạn có thể tận dụng cơ hội để đưa ra các câu hỏi liên quan trực tiếp đến người phỏng vấn như ‘Anh/chị đã gắn bó với công ty lâu chưa?’ hay ‘Anh/chị có thể chia sẻ với tôi về quá trình làm việc tại công ty này không?’ Nếu bạn có thể "thâm nhập” vào câu chuyện của người phỏng vấn một cách thuận lợi, bạn sẽ nhanh chóng "xoa dịu” không khí căng thẳng mà nhà tuyển dụng cố tình tạo ra lúc đầu.

"Nhắm” thẳng vấn đề

"Cách hữu hiệu nhất khi phải đối mặt với người phỏng vấn khó nhằn, cố tình bắt chẹt là tạm dừng, và hỏi thẳng là liệu bạn đã nói gì hay làm gì phiền lòng họ. Thông thường, họ sẽ điều chỉnh lại cách thức phỏng vấn khi bạn đặt thẳng vấn đề như vậy”, nhà sáng lập Tập đòan Krysalis Group đề nghị.

"Chỉ là bài kiểm tra nho nhỏ thôi”

"Hãy nhớ, có thể đây chỉ là chiêu thức của nhà tuyển dụng nhằm đánh giá khả năng chịu áp lực và ứng biến tình huống của bạn. Họ muốn biết bạn có thể giữ được bình tĩnh và tập trung hay dễ dàng để tâm trạng ảnh hưởng đến việc ra quyết định và các hành động liên đới. Rất nhiều câu hỏi kiểu dồn ép là các tình huống gặp phải trong kinh doanh và nhà tuyển dụng đang cho bạn làm một bài kiểm tra nhỏ đấy.”

"Trả banh”

Marlene Caroselli, tác giả quyển sách Hiring and Firing, có đề cập đến kỹ thuật "trả banh” trong phỏng vấn, tức "hỏi lại người phỏng vấn với chính câu hỏi mà họ vừa đưa ra”. Ví dụ nhà tuyển dụng nói với bạn, "Chúng tôi cần một ứng viên xuất sắc đảm nhận vị trí này và theo những gì tôi thấy thì bạn không có gì nổi trội cả” và bạn có thể đáp lại như sau, "Vậy anh/ chị vui lòng cho tôi biết vị trị này có gì đặc biệt mà đòi hỏi những kỹ năng cực kỳ hiếm hoi như vừa đề cập.”

Chịu đựng

"Nếu người phỏng vấn tỏ ra quá cộc lốc, thô lỗ, có thể họ cũng đã đánh rớt các ứng viên giỏi khác. Do đó, công việc của bạn chỉ đơn giản là mỉm cười và cố vượt qua vòng này”, chuyên gia giao tiếp Linda Swindling cho biết.

"Rời cuộc chơi”

Theo Rachel Ingegneri, tác giả quyển sách Ten Minutes to the Job Interview, "Nếu sự dồn ép của người phỏng vấn vượt quá tầm kiểm soát, đến mức bạn cảm thấy sợ hoặc cực kỳ không thoải mái, bạn cần quyết định rời bỏ cuộc chơi ngay. Nếu đó là cách hành xử thông thường tại công ty nọ, rõ ràng môi trường làm việc đó không thích hợp với bạn.”

Kết thúc ấn tượng

Lời khuyên từ chuyên gia Lauren Milligan, nhà sáng lập trang web ResuMAYDAY.com là bạn cần có kết thúc ấn tượng tại buổi phỏng vấn. Chẳng hạn như, "Tôi rất quan tâm đến vị trí này và chân thành cảm ơn anh/ chị đã dành thời gian cho tôi ngày hôm nay. Nếu tôi được vào vòng phỏng vấn tiếp theo, liệu tôi có cơ hội được trao đổi với các cấp quản lý khác hay không?” Cách nói này cho thấy bạn có thể ứng biến tốt với các đợt tấn công vừa qua và sẵn sàng cho những thách thức tiếp theo. Hãy cho họ thấy bạn là ứng viên tiềm năng, mạnh mẽ và có thể trụ vững trước kiểu dồn ép khó chịu này.

 

Theo Dân Trí