Tặng vàng cho công nhân
12-11-2017Đầu vào của doanh nghiệp là những hoàn cảnh không may trong cuộc sống như trẻ thiểu năng, câm điếc bẩm sinh, di chứng chất độc da cam..., hoặc những thanh niên lầm lỡ, nghiện hút, mới ra tù...
Họ vốn là những "mảnh vỡ" khiếm khuyết, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Không phải nhờ phép màu, nhưng họ đã trở thành những công nhân lao động (CN) có chất lượng, góp phần xây dựng một doanh nghiệp (DN) có uy tín.
Coi công nhân như người thân
Gặp tôi trong buổi tối tổ chức Tết Trung thu năm 2017 cho con CN trong tỉnh, ông Trương Văn Hiền - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang - "khoe": "Tôi vừa đi trao vàng cho CN nhân dịp Trung thu". Thấy lạ, tôi hỏi tới, ông Hiền nói: "Một DN ở huyện Châu Thành. Dịp Tết Trung thu, CN không chỉ được tặng bánh, mà còn được tặng 1 chỉ vàng. Có mấy trăm CN được tặng vàng dịp này". Ông Hiền cho biết thêm, CN trong DN này khi lập gia đình cũng được tặng chiếc nhẫn 1 chỉ vàng, còn nếu cô dâu chú rể đều là người của DN thì món quà cưới là đôi bông tai hột xoàn (kim cương) trị giá 16 triệu đồng.
Thú vị với chuyện "tặng vàng cho CN", tôi định có dịp sẽ tìm hiểu kỹ hơn, thì trong lần về dự Đại hội Công đoàn huyện Châu Thành (Tiền Giang), tôi tình cờ ngồi kế một chủ DN là một trong vài khách danh dự của đại hội. Đó là ông Nguyễn Tấn Thanh - Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Hoan Vinh (gọi tắt Công ty Hoan Vinh), DN "tặng vàng cho CN" được nhắc ở trên. Ông Thanh đã vui vẻ đưa tôi đi thăm cơ sở may xuất khẩu của DN mình.
Đó là một DN với gần 700 CN, văn phòng tọa lạc trên khu đất cạnh QL1A, bên cạnh là xưởng sản xuất. Ấn tượng đầu tiên của tôi là mọi người trong công ty, từ nhân viên văn phòng tới CN đều rất lịch sự, lễ phép. Ấn tượng tiếp theo là sự thân tình, gần gũi giữa lãnh đạo DN và CN. Nói về chuyện tặng vàng cho CN, ông Thanh giải thích: Đó là hình thức khen thưởng, động viên CN đã gắn bó và làm việc tốt. Khoảng 70% số CN được thưởng vàng hàng năm, bình chọn từ dưới "chuyền" và tổ chức Công đoàn (CĐ) công ty. Năm 2017 này có 470 chỉ vàng được tặng cho CN vào 2 dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu. Còn chuyện tặng đôi bông hột xoàn, ông Thanh cho biết, đó là cách công ty tri ân CN, cũng là để họ gắn bó lâu dài với DN, bởi CN là vốn quý nhất của Công ty Hoan Vinh.
Giang tay với những mảnh đời bất hạnh
Ông Thanh năm nay ngoài 60 tuổi, từng nhiều năm là cán bộ Công an huyện Châu Thành, cấp bậc trung tá. Năm 2009, ông nghỉ hưu về phụ giúp gia đình, cùng vợ (bà Phan Thị Xuân Thu) xây dựng và phát triển Công ty Hoan Vinh gia công hàng xuất khẩu, ban đầu chỉ là một xưởng may nhỏ với hơn 30 CN. Nhờ chí thú làm ăn, "đồng vợ đồng chồng", công tyngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Tấn Thanh bên nữ công nhân Hồ Thị Ấu Thơ (bên trái)
Từng là cán bộ ngành công an, thường xuyên tiếp xúc, cảm hóa nhiều loại tội phạm, ông Thanh nhận ra những "mảnh vỡ" trong cuộc sống ấy luôn có những phần "lành lặn", nếu biết khơi dậy, họ sẽ trở nên có ích. Nếu được tin tưởng, tạo cho một công việc phù hợp, họ sẽ vươn lên trong cuộc sống. Còn bà Xuân Thu vợ ông Thanh, từng công tác trong ngành y tế, bà biết rằng, những người thiểu năng, kém may mắn sau khi được cứu trợ, cuộc sống cũng không thay đổi được gì. Nếu họ được tạo một việc làm phù hợp, mới giúp họ đổi đời. Từ những quan niệm ấy, vợ chồng ông Thanh đã xây dựng lực lượng lao động cho mình theo cái cách không giống ai.
Ông Thanh nhớ lại, sau một năm thành lập, Công ty Hoan Vinh mở rộng quy mô sản xuất, tuyển thêm CN. Lúc ấy một CN trong công ty là chị Nguyễn Thị Phượng xin cho con gái của mình là Nguyễn Hạ Sương, một cô bé gầy gò 15 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh, vào làm trong công ty. Người mẹ CN không an tâm khi hàng ngày đi làm để đứa con gái tật nguyền đang tuổi lớn ở nhà một mình, nên xin việc cầu may. Bà Thu nhớ lại: "Tôi cũng là một người mẹ, thấy con bé tội nghiệp quá. Nếu mình không cho nó một cơ hội thì không biết đời nó sẽ ra sao". Vợ chồng ông Thanh đã nhận đứa bé tật nguyền, nhưng do mới 15 tuổi, chưa thể làm hợp đồng lao động, ông Thanh làm thủ tục xin dạy nghề cho trẻ vị thành niên. Bà Thu đã kỳ công dạy nghề cho Sương, cô bé nhanh chóng trở thành CN giỏi. Năm 2015, Sương được Sở LĐ-TB-XH tỉnh Tiền Giang khen thưởng là người khuyết tật vươn lên lao động sản xuất giỏi. "Mảnh vỡ" ấy ngày nào giờ đã là cô CN xinh đẹp với thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng.
Từ trường hợp của Sương, vợ chồng ông Thanh càng mạnh dạn đón nhận những trường hợp xin việc là người khuyết tật, khốn khó, nghiện ngập, mới ra tù... Dương Ngọc Thanh Trà (sinh năm 1995) từng lầm lỡ, sau khi mãn hạn tù, được Công ty Hoan Vinh nhận vào làm, hiện thu nhập trung bình hơn 9 triệu đồng/tháng. Hồ Thị Ấu Thơ (sinh năm 1997), nạn nhân chất độc da cam, bị nhiều dị tật, đi lại khó khăn, được giao công việc nhẹ nhàng nhất là đếm nhãn, hiện thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng... Hơn 100 trường hợp CN có hoàn cảnh đặc biệt như vậy đã góp phần cùng tập thể Công ty Hoan Vinh đưa DN ngày càng phát triển, lớn mạnh. Năm 2013, Công ty Hoan Vinh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Còn bà Phan Thị Xuân Thu cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen năm 2015 về những thành tích trong hoạt động từ thiện.
- Giám sát thi công Công Ty Cổ Phần Nội Thất Mộc Xinh
- Nhân viên bóc tách, dự toán công trình Công Ty Cổ Phần Nội Thất Mộc Xinh
- Kế toán tổng hợp Công Ty TNHH Cách Âm Cách Nhiệt Phương Nam
- Nhân viên kinh doanh Công Ty TNHH Cách Âm Cách Nhiệt Phương Nam
- Nhân viên kế toán thuế Công Ty TNHH Xây Lắp Trung Tây Nguyên
- Nhân viên bảo trì điện Công Ty TNHH SX-TM-DV Tân Tường Khang
- Nhân viên bảo trì cơ khí Công Ty TNHH SX-TM-DV Tân Tường Khang
- Nhân viên tư vấn tài chính Công Ty Cổ Phần Kiến Trúc Nội Thất Xây Dựng AIC
- Chuyên viên kinh doanh Công Ty Cổ Phần Thương Mại Và Quảng Cáo Gia Đức
- Nhân viên lập trình CNC, máy phay Công Ty TNHH Hưng Dụ