Cẩm nang việc làm

Mồ hôi ráo, tiền cũng cạn!

12-09-2017

Chấp nhận làm lính đánh thuê cho các công ty cho thuê lao động phổ thông là phải chấp nhận cảnh mồ hôi ráo thì tiền cũng cạn, tích lũy cho tương lai là chuyện viển vông

Thế nhưng, nhiều người vẫn phải chấp nhận vì chỉ có những công ty cho thuê lao động mới tuyển dụng lao động một cách dễ dãi như vậy, trong khi người lao động (NLĐ) "khát" việc làm còn hơn... khát nước.

 

Nhắm mắt làm liều

 

"Tôi chỉ biết đi làm theo "điều động" của công ty, mỗi nơi có khi vài tháng, cũng có thể chỉ vài tuần. Làm ngày nào có lương ngày đó, không làm thì không có tiền. Mình chẳng khác nào "cái máy" để công ty đem cho thuê lại", chị H. một lao động làm thuê than thở.

 

Trước đây, chị H. (quê Sóc Trăng, đang làm việc cho một công ty "cho thuê lao động" tại Đồng Nai), từng nhiều năm làm cho một công ty may ở quận 12, TP HCM. Đến giữa năm 2016, công ty này đột ngột đóng cửa, hàng trăm công nhân (CN) bị mất việc, chị cùng những đồng nghiệp khác phải tự bươn chải, kiếm kế sinh nhai để sống qua ngày.

 

Thế rồi, tháng 3 vừa qua, chị được một số đồng nghiệp cũ giới thiệu vào Công ty TNHH Đông Nam Vi Na (trụ sở trên đường Bùi Văn Hòa, phường An Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai). "Khi mới tới, mình thấy lạ, bởi công ty gì mà chỉ có mỗi bộ bàn ghế và 1 nhân viên ngồi ghi chép.Hỏi ra mới biết, công ty này chỉ chuyên chiêu mộ NLĐ từ các nơi về rồi đem cho các doanh nghiệp (DN) khác thuê lại. Họ cho thuê 10 đồng thì lấy 3 đồng "phí dịch vụ", NLĐ hưởng 7 đồng. Có nghĩa, chúng tôi chỉ là "lính đánh thuê", nay đây mai đó. Ban đầu tôi cũng thấy ngại nhưng vì lúc ấy bí thế quá, đành nhắm mắt làm liều", chị kể.

 

Một khu nhà trọ công nhân

 

Ở địa bàn TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có hàng chục công ty cho thuê lao động hoạt động từ 15-20 năm trước, khi pháp luật lao động còn nghiêm cấm hình thức cho thuê lại lao động. Trước đây, họ hoạt động khá "kín", sử dụng nhiều "xảo thuật" để qua mắt cơ quan chức năng nhưng từ khi Bộ luật Lao động 2012 "mở cửa" cho hoạt động cho thuê lại lao động thì họ "ra mặt" hoạt động công khai, luôn tung quân chiêu mộ NLĐ với số lượng lớn, ký hợp đồng cung cấp lao động cho hàng trăm DN không chỉ ở Đồng Nai mà còn mở rộng địa bàn ra các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Long An, TP HCM…"Hầu hết những người được các công ty cho thuê lại lao động kiểu này chiêu mộ đều là lao động phổ thông, không tay nghề chuyên môn, giống như tôi. Vì không có tay nghề, nên khi đưa đi nhận việc, chúng tôi chỉ được giao những công việc tay chân đơn giản, với nhiều quy định rất nghiêm ngặt về năng suất, thời gian, ai không đáp ứng được sẽ bị trừ tiền thẳng tay.

 

Cực nhất là cứ làm chỗ này hơi quen việc lại bị điều sang chỗ khác, phải làm quen với môi trường làm việc mới. Từ tháng 3 đến giờ, tôi đã chuyển tới 4 nơi làm việc nhưng hiện tại đang "ngồi chơi xơi nước" vì chưa có công ty nào thuê", chị H. kể.

 

Trong căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, những đồng nghiệp của chị H. cũng tỏ ra hết sức lo lắng khi nói về tương lai đầy bất định của mình. Theo chị H., cái "được" duy nhất của "lính đánh thuê" là phần lớn nhận lương theo ngày (nhận từ công ty cho thuê lao động chứ không nhận trực tiếp tại nơi làm việc). Như chị, mỗi ngày được nhận hơn 250.000 đồng. Nếu như công việc có đều thì thu nhập hàng tháng có phần cao hơn lao động "cơ hữu" của các doanh nghiệp. "Công việc của chúng tôi rất bấp bênh, tháng nào may mắn được làm ổn định một chỗ thì tạm ổn, phần lớn chỉ làm khoảng 15-18 ngày, những ngày khác ở nhà chờ công ty gọi, không có thu nhập", chị cho biết.

 

Thiệt thòi đủ đường

 

Nhiều người là "lính đánh thuê" ở các nhà máy tại khu vực Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết, trong hàng chục nhà máy mà họ từng đến làm việc đều có 2 dạng lao động: Lao động cơ hữu của nhà máy, họ có việc làm và thu nhập ổn định, kể cả khi nhà máy không nhiều việc cũng được trả lương.

 

Gia đình một công nhân làm "lính đánh thuê"

 

Nhóm "lính đánh thuê" đến nhà máy làm việc trong bộ đồng phục khác, không được coi là "người của nhà máy" và thường chỉ được thuê làm trong những thời điểm công việc nhiều, nhu cầu đáp ứng đơn hàng gấp.

 

Vì chỉ được thuê trong những thời điểm "nóng" như vậy nên khối lượng công việc mà những "lính đánh thuê" phải đảm nhiệm luôn rất nặng nề. Họ phải sống trong trạng thái tâm lý cực kỳ căng thẳng. Khi công việc đã "vãn", nhà máy không còn nhu cầu "thuê ngoài", họ sẽ bị rút về công ty cho thuê lao động. Nếu may mắn thì được điều đi nơi khác nhưng phần lớn là phải nghỉ ở nhà từ vài ngày tới vài tuần, thậm chí một vài tháng để chờ có nơi nào thuê mới tiếp tục "lên đường"...

 

Không được trả lương trong thời gian "nghỉ chờ việc", phần lớn "lính đánh thuê" này còn không được ký hợp đồng lao động và đương nhiên là không có BHXH, BHYT, càng không thể "mơ" có bảo hiểm thất nghiệp. Ngay cả một số công ty "đàng hoàng", có ký hợp đồng lao động với NLĐ nhưng cũng không đóng BHXH.

 

Theo đại diện Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM (Hepza), có một số DN trên địa bàn TP HCM thực hiện cho thuê lại lao động để làm những công việc giản đơn (lắp ráp, đóng gói…) với lý do có nhiều hợp đồng, đơn hàng gấp. Tuy nhiên, theo Nghị định 55/2013/NĐ-CP của Chính phủ, những công việc này không thuộc danh mục công việc được thuê lại lao động. Vì vậy, việc một số DN đang "lách luật" bằng cách ký hợp đồng gia công, hợp đồng thuê lại lao động để thực hiện công việc "hỗ trợ dự án".

 

Cụ thể, trong KCX Tân Thuận có một DN đang sử dụng khoảng 3.000 lao động, song khoảng 50% số lao động là thuê lại. Việc DN này sử dụng lao động thuê lại có nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động nếu DN cho thuê lại lao động không thực hiện đúng chế độ chính sách đối với NLĐ như: Chậm trả lương, vi phạm các quy định về BHXH, BHYT hoặc một số chế độ có thể thấp hơn so với những người lao động khác trong cùng đơn vị... Trong KCX Tân Thuận hiện có khá nhiều DN sử dụng lao động cho thuê, như: Nidec Copal, Nidec Tosok... Khi cơ quan chức năng rà soát thì công việc mà những người lao động này phải làm không đúng danh mục công việc được phép cho thuê lao động mà Nhà nước đã ban hành.

 

Theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, hoạt động chui, ăn chặn tiền lương, tiền BHYT, BHXH của NLĐ... là những sai phạm chủ yếu của dịch vụ cho thuê lại lao động tại Đồng Nai. Cụ thể, công ty Đông Nam Vi Na đang nợ lương của 62 NLĐ, người bị nợ nhiều nhất là khoảng 4 triệu đồng, người ít nhất khoảng 2 triệu đồng. Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, toàn bộ lãnh đạo và nhân viên của công ty này đã bỏ trốn. Công ty đã ngưng hoạt động và trả lại mặt bằng, số dư trong tài khoản công ty tại ngân hàng cũng không có đồng nào.
Nhóm phóng viên - Báo Phụ nữ Việt Nam