Cẩm nang việc làm

Đừng để công nhân hụt hơi

14-08-2017

Mong muốn chung của đại bộ phận công nhân là chính sách tiền lương phải đi sát cuộc sống, giúp họ ổn định thu nhập và tích lũy

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất phương án đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 là 6,5%, tương đương mức tăng từ 180.000 đồng đến 230.000 đồng mỗi vùng. "Mức điều chỉnh này chỉ bằng một nửa so với phương án mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất. Mức tăng không như mong đợi sẽ khiến chúng tôi thất vọng bởi đời sống người lao động (NLĐ) chẳng cải thiện được bao nhiêu" - nhiều công nhân (CN) tại các KCX-KCN TP HCM cho biết.

 

Mong hết giật gấu vá vai

 

Khi chúng tôi hỏi thu nhập hiện tại liệu có đủ sống, chị Nguyễn Thị Ngọc - CN chuyên gia công giày da ở KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM - nhẩm tính: "Với tổng thu nhập mỗi tháng gần 9 triệu đồng, vợ chồng tôi phải chi tiêu nhiều thứ như tiền nhà, điện nước, tiền gửi trẻ, chưa kể những chi phí phát sinh khác như đám tiệc, sinh nhật, đi lại. Gói ghém lắm thì hai vợ chồng chỉ dư ra 1 triệu đồng phòng khi ốm đau, bệnh tật. Các lần tăng LTT trước, giá phòng trọ, điện nước rục rịch tăng khiến chi phí sinh hoạt tăng lên nên dù tăng lương nhưng chúng tôi vẫn không có tích lũy".

 

Mấy tháng nay, tháng nào anh Trần Văn Linh, CN Công ty Cơ khí Đông An (quận Bình Tân, TP HCM), cũng phải vay mượn bạn bè, người thân để đắp đổi chi phí sinh hoạt. Tổng thu nhập của vợ chồng anh khoảng 8 triệu/tháng. Trước đây, nếu tằn tiện chi tiêu cũng tạm đủ nhưng từ khi có đứa con thứ hai thì gia đình anh cứ thiếu trước hụt sau.

 

Chính sách tiền lương, đãi ngộ tốt giúp công nhân Công ty TNHH Shing Việt an tâm gắn bó lâu dài

 

Anh Linh cho biết chỉ tính riêng tiền nhà, điện nước, mỗi tháng đã ngót 2 triệu đồng. Hằng tháng, vợ chồng anh còn gửi về quê gần 2 triệu đồng để lo tiền ăn học cho đứa con trai lớn, dành riêng một khoản để lo cho đứa con út chưa tròn 1 tuổi. Từ khi sinh con thứ hai, vợ chồng anh phải rước bà ngoại từ quê lên TP trông cháu nên càng nặng gánh chi tiêu. "Mức tăng LTT lần này quá thấp và chắc chắn đời sống CN chẳng cải thiện được là bao. Bao giờ CN mới hết giật gấu vá vai?" - anh rầu rĩ.

 

Kết quả khảo sát tình hình đời sống CN của Tổng LĐLĐ Việt Nam trước khi Hội đồng Tiền lương quốc gia nhóm họp về LTT cho thấy 46% bức xúc về tiền lương, phúc lợi thấp so với công sức bỏ ra.

 

Không giải quyết được gì

 

Được hỏi ý kiến về việc tăng LTT lần này, ông Lê Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hòa Bình (quận 11, TP HCM), bày tỏ: "Tăng lương chỉ có ý nghĩa thực sự khi đời sống CN bớt khó khăn. Mức tăng LTT năm 2018 vừa được Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt không giải quyết được gì bởi mỗi lần lương tăng thì các mặt hàng thiết yếu cũng có hiện tượng té nước theo mưa".

 

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đã trả lương cho NLĐ cao hơn nhiều so với LTT quy định, bởi nếu trả thấp hơn thì khó lòng thu hút lao động. Chính vì hiểu LTT thấp mà nhiều DN đã chủ động phối hợp với tổ chức Công đoàn (CĐ) từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương, đãi ngộ NLĐ nhằm giúp họ ổn định cuộc sống lâu dài.

 

Tại công ty ông Lê Hòa Bình quản lý chẳng hạn, ngoài lương cơ bản đạt gần 4 triệu đồng/tháng (mức đóng BHXH, BHYT), ban giám đốc còn hỗ trợ thêm các khoản chuyên cần, nhà trọ, tay nghề, xăng xe..., giúp 150 CN ổn định thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng. "Ban giám đốc luôn mong muốn anh em CN phải ổn định được cuộc sống và có tích lũy. Có như vậy, họ mới an tâm gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Nhiều DN khi LTT tăng đã tìm cách cắt giảm này nọ, đẩy khó khăn về phía NLĐ. Theo tôi, đây là điều tối kỵ" - ông Bình nhận xét.

 

Ở một số DN có nền tảng chăm sóc NLĐ tốt như Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), Công ty TNHH Shing Việt, Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức), Công ty TNHH Hansae Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), chế độ lương, thưởng được xây dựng trên cơ sở dữ liệu về thu nhập, chi tiêu của CN do CĐ thực hiện. Với sự tư vấn của CĐ cơ sở, chủ DN có một cái nhìn sát thực hơn về đời sống của CN, từ đó hợp tác xây dựng chính sách đãi ngộ thỏa đáng.

 

"Các khoản hỗ trợ thêm hằng tháng ở nhiều DN chiếm từ 2/3 đến 1/3 tổng thu nhập của NLĐ. Với sự quan tâm, sẻ chia này từ người sử dụng lao động, chắc chắn đời sống CN sẽ không ngừng được cải thiện" - ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận.

 

50% người lao động không có tích lũy

 

Kết quả khảo sát của Viện CN-CĐ - Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy tỉ lệ NLĐ có tích lũy từ tiền LTT chỉ chiếm 8% (mức tích lũy chỉ dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tháng), 50% NLĐ không có tích lũy và hơn 40% NLĐ có mức chi tiêu tằn tiện, thiếu thốn. Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện CN-CĐ, cho rằng mức tăng lương như hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 93% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Điều này đồng nghĩa với việc còn khoảng 7% nữa, mức tiền LTT mới chạm ngưỡng mức sống tối thiểu của NLĐ.

Bài và ảnh: KHÁNH AN